Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phần thưởng Tết Quý Mão 2023, đa phần các doanh nghiệp đều có thưởng với mức bình quân là một tháng lương trên hợp đồng lao động cho lao động làm việc đủ 12 tháng trong năm. Hầu hết các doanh nghiệp cho người lao động nhận lương tháng 12-2022 và tiền thưởng trước Tết.
Qua các doanh nghiệp đã báo cáo thì với loại hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có dự kiến mức thưởng Tết thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng, cao nhất là hơn 9,2 triệu đồng. Còn các công ty cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì dự kiến mức thưởng cao nhất là gần 60 triệu đồng; thấp nhất là 500 nghìn đồng.
Với các doanh nghiệp dân doanh dự kiến mức thưởng cao nhất là hơn 144 triệu đồng; thấp nhất là 1 triệu đồng. Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì dự kiến mức thưởng cao nhất hơn 535 triệu đồng; Thấp nhất là 600 nghìn đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo về mức thưởng Tết cho NLĐ. Ảnh minh họa: TK |
Về quan hệ lao động, theo Sở LĐ-TB&XH, có một doanh nghiệp nợ lương do tình hình kinh doanh khó khăn từ cuối năm 2021.
Trong 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vấn đề liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều kiện làm việc. Khi xảy ra các vụ việc các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phối hợp nắm tình hình, hướng dẫn và đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp xem xét, giải quyết các vấn đề của người lao động nhằm nhanh chóng trở lại sản xuất, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự.
Tổng số tiền doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại thời điểm tháng 11-2022 là hơn 343 tỷ đồng, chiếm 5,1% kế hoạch thu.
Trong những tháng cuối năm 2022 lao động luôn biến động và nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm người. Hiện số lao động bị ảnh hưởng của việc cắt giảm đơn hàng, phải thôi việc trên địa bàn tỉnh khoảng 700 lao động.
Nhằm đảm bảo quyền lợi, ổn định đời sống cho người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó việc tăng cường nắm bắt, kịp thời giải quyết dứt điểm các tranh chấp lao động, đình công và khiếu nại của người lao động bị nợ lương, nợ BHXH tại các doanh nghiệp.
Rà soát, đánh giá nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để có các giải pháp cân đối lại lực lượng lao động giữa doanh nghiệp đang thiếu lao động và doanh nghiệp đang cắt giảm lao động do gặp khó khăn. Kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động...