Đầu phiên giao dịch 29/12, cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings vẫn tiếp tục giảm hết biên độ, xuống 2.260 đồng. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào bắt đáy cổ phiếu này nhanh chóng xuất hiện ngay sau phiên ATO.
Đến 9h31, mã này đã thoát mức giá sàn khi có hơn 10,9 triệu đơn vị được giao dịch và tăng hết biên độ chỉ một phút sau đó. Đến cuối phiên giao dịch sáng nay, hơn 11,8 triệu cổ phiếu IBC đã được khớp lệnh, tương đương 14,1% tổng lượng cổ phiếu của Apax Holdings đang lưu hành trên thị trường. Hiện tại, IBC dư mua ở mức giá trần 2.580 đồng, với khối lượng hơn 5,7 triệu cổ phiếu.
Chuỗi giảm sàn 26 phiên liên tiếp của IBC được kích hoạt từ cuối tháng 11 khi doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy công bố kế hoạch tái cấu trúc hệ thống đến hết quý I năm sau. Từ 23/11 đến 27/12, Apax Holdings đã 5 lần phải gửi công văn tới Uỷ ban Chứng khoán để giải trình về chuỗi giảm sàn.
Trong lần giải trình gần nhất, Apax Holdings cho biết "hiện tượng giảm sàn vẫn tiếp tục xảy ra do nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay thế chấp, ký quỹ bị các công ty chứng khoán bán chủ động, giải chấp để nhanh chóng thu hồi vốn".
Tuần trước, 113.000 cổ phiếu của "Shark" Thuỷ cũng đã bị Công ty Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp. Còn Tập đoàn Giáo dục Egroup, công ty mẹ của Apax Holdings do ông Thuỷ làm Chủ tịch cũng bị hai công ty chứng khoán bán giải chấp 790.000 cổ phiếu IBC. Sau giao dịch này, ông Thuỷ còn sở hữu 6,58 triệu cổ phiếu IBC, tương đương 7,91% vốn.
Apax Holdings đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Đây là công ty duy nhất trong hệ sinh thái Egroup của ông Thủy được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Gần đây, chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders vướng nhiều lùm xùm về chất lượng dạy học, chậm trả hoặc nợ lương nhân viên. Ban lãnh đạo sau đó cho biết Apax Leaders chịu gánh nặng về chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên... Sau khi mở cửa trở lại, nhiều khó khăn phát sinh khiến một số trung tâm bị gián đoạn hoạt động, ảnh hưởng không tốt tới chất lượng học tập của học viên, gây ra bức xúc cho một số phụ huynh.
Theo ông Thuỷ, hệ sinh thái Egroup đang gặp khó khăn trên nhiều mặt, trong đó vấn đề lớn nhất là dòng tiền do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch bệnh hai năm qua. Người đứng đầu Egroup khẳng định sẽ gầy dựng lại hệ sinh thái, song ông mong nhà đầu tư có thể tiếp tục tái ký thỏa thuận và giảm lãi để hỗ trợ công ty. Ông dự tính quá trình hồi phục sẽ cần khoảng 2-3 năm.
Anh Tú