Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2023, nhằm hướng dẫn thực hiện việc bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo luật Cư trú 2020.
Lực lượng công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân phúc bình |
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 104/2022 sửa đổi nội dung tại 19 nghị định liên quan đến các lĩnh vực thiết yếu trong đời sống như y tế, giáo dục, việc làm, đất đai, nhà ở, điện lực…
Nhiều thay đổi về thủ tục đất đai
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 43/2014, một trong những căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định là giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở.
Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 104/2022, người dân chỉ cần cung cấp CMND hoặc thẻ CCCD hoặc giấy khai sinh. Trường hợp không khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Một chính sách khác là Nghị định 168/2016, quy định hồ sơ nhận khoán rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng; vườn cây cao su, chè, cà phê, cây ăn quả lâu năm… bao gồm bản sao chụp sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình. Đối với cộng đồng dân cư thôn thì cần có bản sao chụp sổ hộ khẩu của các cá nhân và hộ gia đình trong cộng đồng.
Tới đây, theo quy định mới tại Nghị định 104/2022, kể từ 1.1.2023, hồ sơ đề nghị nhận khoán không còn yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu đối với cá nhân hộ gia đình. Riêng đối với cộng đồng dân cư thì yêu cầu thông tin về số định danh cá nhân của các thành viên trong danh sách.
Mua điện không cần sổ hộ khẩu
Hiện nay, Nghị định 137/2013 quy định nếu muốn ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, người mua điện phải cung cấp bản sao của một trong các giấy tờ: hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực.
Với quy định mới tại Nghị định 104/2022, người mua điện chỉ cần có thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện.
Về hồ sơ đăng ký, bên mua điện cần cung cấp CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cá nhân đại diện bên mua điện.
Từ 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ hết giá trị sử dụng phúc bình |
Nhiều thay đổi về thủ tục BHYT
Nghị định 104/2022 bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến BHYT. Theo đó, quy định về nhóm tham gia BHYT hộ gia đình sửa đổi từ “người có tên trong hộ khẩu” thành “người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú…”; “người có tên trong sổ tạm trú” thành “những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú…” .
Ngoài ra, với thủ tục nhận thay tiền giải quyết chế độ BHXH, nghị định mới cũng bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu”. Các giấy tờ cần xuất trình khi đến nhận thay gồm:
Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng BHYT: bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nếu là người giám hộ: cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng BHYT (bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Giảm thủ tục trong chính sách hỗ trợ học sinh
Nghị định 116/2016 quy định hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn phải có sổ hộ khẩu (bản sao có mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
Còn với Nghị định 104/2022, người làm hồ sơ chỉ cần nộp bản sao của một trong các giấy tờ: CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tương tự, Nghị định 105/2020 quy định cha mẹ khi làm hồ sơ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo (trường hợp đủ điều kiện được hưởng) phải cung cấp bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu.
Tới đây, theo Nghị định 104/2022, phụ huynh chỉ cần nộp bản sao của một trong các giấy tờ: CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với đối tượng trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khi làm hồ sơ đề nghị trợ cấp, cha mẹ chỉ cần cung cấp giấy khai sinh, thay vì phải nộp cả sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú như trước đây.
Giấy tờ gì thay thế cho sổ hộ khẩu?
Vẫn theo Nghị định 104/2022, cơ quan hoặc cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Trường hợp không thể khai thác thông tin cư trú của công dân, cơ quan hoặc cá nhân được giao trách nhiệm có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: thẻ CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.