Ông Lê Văn Tiển - Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn - cho biết, lượng hàng về chợ hiện nay khoảng 2.800 tấn/ngày đêm, tăng khoảng 20% so với bình thường (2.320 tấn). Cao điểm hàng về chợ là 6 ngày giáp tết, từ 25-30 tháng Chạp, riêng ngày 27 tháng Chạp có thể 3.500 tấn/ngày đêm. Lượng hàng tăng mạnh nhất là thịt heo, dự kiến ngày 29 tháng Chạp về chợ 670 tấn, tăng gấp đôi ngày thường.
Nhiều chủ hàng cũng bắt đầu dự trữ hàng tết trong các kho lạnh, xe container lạnh lưu đậu tại bãi xe, chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây với số lượng khoảng trên 1.500 tấn. Nhiều thương nhân đặt hàng từ các vùng trồng để thu hoạch dần, đưa về chợ. Theo ông Lê Văn Tiển, lượng hàng về chợ trước, trong và sau tết Quý Mão ổn định.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra thực phẩm ở các chợ đầu mối đêm 28/12 - Ảnh: Q.Thái |
Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức - cho biết, nguồn hàng về chợ dịp tết dự kiến tăng từ 4.000 tấn lên 6.000 tấn/ngày. Một số nhóm hàng hiện đã tăng giá, chẳng hạn giá bưởi da xanh tăng khoảng 50%, xoài tăng 10 - 20%, một số loại rau củ tăng khoảng 20%.
Theo ông, một số ít thương nhân không nhập hàng vào ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ (bên ngoài phạm vi của chợ) để tránh việc kiểm soát của công ty đối với khâu sơ chế tại nguồn. Điều này không tốt cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Những ngày tới, công ty sẽ tăng cường quản lý hàng hóa chặt chẽ hơn. Trong đó, đối với hàng nhập khẩu, công ty bắt buộc chủ hàng, chủ xe phải xuất trình hợp đồng vận chuyển, giấy chứng nhận kiểm dịch, xuất xứ hàng hóa, tờ khai hải quan, mới được đưa hàng vào chợ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - cho hay, dựa trên kết quả kiểm nghiệm, thực phẩm ở các chợ đang được kiểm soát tốt về độ an toàn. Tuy nhiên, do nhập từ các nơi về với lượng lớn nên tình trạng trà trộn hàng hóa vẫn có thể xảy ra. Ban sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, chợ truyền thống để đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng. Ban cũng kêu gọi người tiêu dùng mua hàng ở những nơi hợp pháp, hàng có nhãn mác để hạn chế các rủi ro về an toàn thực phẩm.
Tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao trong dịp tết để tăng giá vé bất hợp lý.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.6791841a-is-ohc-ev-od-uad-tab-tet-gnah/nv.moc.enilnounuhp.www