vĐồng tin tức tài chính 365

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền

2022-12-30 13:02
Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền - Ảnh 1.

Một góc chợ dừa nổi sông Thom - Ảnh: H.A.

Trên thủy lộ trọng yếu nối liền sông Hàm Luông và Cổ Chiên này có một chợ nổi độc nhất vô nhị cả nước, bởi chợ chỉ mua bán duy nhất mặt hàng trái dừa khô mà giúp nhiều người trở thành tỉ phú...

Sông Thom mùa này nước đầy, chảy êm đềm. Anh Tám Hùng, tức Võ Văn Hùng, thương lái chuyên mua bán dừa khô ở chợ dừa nổi sông Thom, giải thích: 

"Từ hồi tháng 7 khi dừa khô rớt giá còn 2.000 - 3.000 đồng/trái, các vựa làm cầm chừng để giữ mối nên chợ hơi thưa người. Dừa lên giá là lại mua bán đông nghịt, ngày đêm huyên náo tiếng người, tiếng máy ghe".

Chợ dừa lớn nhất miền Tây

Anh Tám Hùng là dân cố cựu ở Vĩnh Khánh (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), nơi có chợ dừa sông Thom nổi tiếng. Năm 1990, hơn 20 tuổi, anh Tám đã sắm được ghe đi buôn dừa trái, đến nay có thâm niên 32 năm trong nghề.

"Tui nhớ hồi trước năm 1990, trên sông Thom khu vực này, ghe tàu các tỉnh tụ về mua bán lúa gạo và trái dừa khô nhưng quy mô không lớn như nay. 

Sau năm 1990, nghề làm chỉ xơ dừa có mặt ở Vĩnh Khánh, kéo theo các điểm thu mua dừa khô, lột vỏ dừa, sơ chế các sản phẩm từ trái dừa. Từ đó hình thành chợ chuyên mua bán dừa trên sông Thom lớn nhất và nổi tiếng nhất nước", anh Tám Hùng vui vẻ kể.

Sau năm 2000, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa mọc lên như nấm ở hai bên bờ sông Thom. Nhu cầu thu mua vỏ dừa khô tăng chóng mặt, tàu ghe chở vỏ dừa từ các tỉnh khác cung ứng không kịp nên hai bên bờ sông Thom (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) có rất nhiều cơ sở thu mua, chế biến dừa khô. 

Mỗi ngày, hàng trăm ghe tải loại lớn chở trái dừa khô còn nguyên vỏ từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ và các tỉnh khác tụ tập về đây mua bán.

Hiện tại, bờ sông Thom phía An Thạnh có hàng trăm điểm thu mua, chế biến các sản phẩm từ trái dừa khô và cung cấp vỏ dừa cho hơn 50 cơ sở, công ty, doanh nghiệp chế biến chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ chỉ xơ dừa. 

Phía bờ sông thuộc xã Khánh Thạnh Tân có hơn 30 cơ sở chế biến chỉ xơ dừa và hơn trăm điểm thu mua, chế biến các sản phẩm từ dừa và cung ứng vỏ dừa đang hoạt động.

Bình quân, mỗi cơ sở thu mua dừa ở chợ tiêu thụ 4-5 thiên dừa khô/ngày (khoảng 6.000 trái). Lúc cao điểm, những cơ sở lớn tiêu thụ đến 12.000 trái dừa khô/ngày đêm. 

Theo ước tính của các chủ vựa, mỗi năm có khoảng 150 triệu trái dừa khô được mua bán ở chợ dừa sông Thom. Chợ hầu như hoạt động không có giờ giấc, khi nào ghe chở dừa nguyên liệu cập vào bến thì chủ vựa điện thoại gọi nhân công tập trung làm việc.

Từ chợ nổi dừa và những "xóm nghề dừa" ở An Thạnh và Khánh Thạnh Tân, đến nay chợ dừa và nghề chế biến dừa khô, làm chỉ xơ dừa đã lan ra các xã lân cận như Tân Hội, Đa Phước Hội, Thành Thới B... của huyện Mỏ Cày Nam và các xã huyện Mỏ Cày Bắc, trên đoạn sông dài khoảng 7km.

Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền - Ảnh 2.

Sau khi lột vỏ, dừa gáo được phân loại để xuất khẩu - Ảnh: H.A.

Chẳng bỏ đi thứ gì

Nghe tôi hỏi thăm cung cách mua bán ở chợ dừa sông Thom, anh Nguyễn Văn Nam - người chuyên thu mua dừa khô ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ... - cười khà khà nói: 

"Tui đem dừa đến chợ này mua bán đã hơn chục năm, thấy chủ dừa và chủ vựa hầu như chỉ sử dụng chữ tín thông qua mối quan hệ quen biết lâu năm để giao dịch. Vậy mà tui chưa thấy cảnh chủ vựa, lái dừa mất lòng nhau vì chuyện mua bán".

Anh Nam kể thêm, hồi mới đến chợ dừa sông Thom mua bán, anh "hết hồn" vì hai bờ sông có hàng trăm điểm thu mua dừa khô, điểm nào nhìn cũng giống nhau nhưng hầu như chẳng nơi nào có treo bảng hiệu. 

Người ta chỉ nói vựa ông A, bà B, chú Hai, cô Bảy... ở chỗ đó, chỗ đó. Sau nhiều lần đi trật địa chỉ, anh Nam nhận thấy mỗi vựa thu mua dừa khô ở sông Thom đều có hàng chục chủ ghe (đồng thời là thương lái mua bán dừa) là mối ruột cung cấp dừa trái. Khi đến chợ, các chủ ghe phải tự nhớ vị trí vựa để cập đúng bến.

Trước đây, chủ vựa và thương lái thỏa thuận giá thu mua dừa trái tùy theo địa phương, ví dụ dừa Bến Tre mua giá khác, dừa Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh Nam sông Hậu mua giá khác. Mấy năm gần đây do giá dừa khô lên xuống thất thường nên thương lái và chủ vựa thỏa thuận mua dừa theo chất lượng (độ dày mỏng, tỉ lệ dầu và độ béo của cơm dừa) và trọng lượng trái.

"Ghe chở dừa lên tới vựa, thương lái nói dừa miệt nào, chất lượng ra sao thì chủ vựa tin như vậy, đếm trái trả tiền. 

Nếu lái dừa nói một đàng mà chất lượng một nẻo thì lần sau đừng mong tới chợ dừa làm ăn, bởi chủ vựa chỉ cần alô một tiếng là lái dừa đó bị tất cả các vựa trong vùng tẩy chay. 

Mà thương lái ở miền Tây đi buôn dừa khô với số lượng lớn, không bán được ở chợ dừa sông Thom thì biết bán cho ai?", anh Nam cho biết.

Theo anh Tám Hùng, hiện nay ở chợ dừa sông Thom không có món gì từ trái dừa khô bị bỏ đi, tất cả đều bán được tiền. Dừa khô nguyên trái đưa lên vựa, giá cả tùy thời điểm, có lúc lên đến 6.000 - 6.500 đồng/trái. 

Vỏ dừa lột ra, các cơ sở chế biến chỉ xơ dừa thu mua hết, lúc cao điểm giá vỏ dừa lên đến 1 triệu đồng/thiên (1 thiên bằng 1.200 vỏ). Dừa đã lột vỏ (dân trong nghề gọi là dừa hột) được phân loại, trái lớn đạt tiêu chuẩn cho xuống ghe chở ra cảng Bến Tre đóng container xuất khẩu sang Trung Quốc, giá gấp rưỡi giá mua dừa còn vỏ.

Còn trái nhỏ được các cơ sở chế biến lấy cơm dừa cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy với giá hơn 10.000 đồng/kg. Vỏ lụa còn dính phần cơm dừa mỏng sau khi gọt được bán với giá 5.000 đồng/kg cho các cơ sở ép dầu dừa. 

Riêng phần nước dừa được cho vào từng thùng 30 lít để bán cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa với giá 10.000 đồng/thùng. Phần vỏ gáo dừa thì bán cho các cơ sở sản xuất than.

Đưa tôi đi dọc bờ sông Thom xem các vựa thu mua dừa hoạt động, anh Tám Hùng vui vẻ cho biết hiện tại các cơ sở chế biến dừa và sản xuất chỉ xơ dừa của An Thạnh và Khánh Thạnh Tân thu hút, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.000 người ở trong xã và các địa phương lân cận với thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/ngày.

"Ở đây dễ kiếm tiền, chỉ cần siêng năng, chịu khó làm việc. Thanh niên trai tráng, phụ nữ, người lớn tuổi đều có việc làm phù hợp, thu nhập từ 200.000 đồng đến 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Ở chợ dừa sông Thom, có nghề kiếm tiền nhẹ nhàng, nhưng cũng có những nghề dù đổ mồ hôi, công sức để kiếm tiền nhưng phải hết sức cẩn thận vì chỉ cần sơ sẩy là đổ máu", anh Tám Hùng nói.

Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 77.000 hec ta dừa, chiếm hơn 40% diện tích dừa cả nước, sản lượng 670.000 tấn trái. Riêng huyện Mỏ Cày Nam, nơi có chợ dừa sông Thom, diện tích dừa là 17.000ha, chiếm hơn 77% diện tích đất của huyện, là địa phương có diện tích đất trồng dừa lớn thứ nhì tỉnh Bến Tre sau huyện Giồng Trôm.

--------------------------

Cây nầm có lưỡi giống cây mác vót (loại dao nhà vườn miền Tây) dài hơn 20cm, cán bằng gỗ, mũi nhọn, sắc bén để lột vỏ dừa nhưng cũng dễ... lấy máu người.

Kỳ sau: Từ nghề nhẹ nhàng đến "đổ máu ăn tiền"

Cuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến TreCuộc chiến chống sâu lạ ở vườn dừa Bến Tre

TTO - Đến nay, khoảng hơn 1.500ha vườn dừa ở Bến Tre đã bị sâu lạ đầu đen tàn phá khốc liệt. Dù đã tìm được "vũ khí sinh học" có thể chống lại nhưng nhà vườn vẫn khốn đốn vì sinh vật lạ này.


Xem thêm: mth.99555210103212202-neit-al-gnuc-ig-uht-aud-1-yk-ert-neb-ion-aud-ohc-oad-cod/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre - Kỳ 1: Dừa - thứ gì cũng là tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools