Trong những năm qua, nhờ được quan tâm đầu tư, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước phát triển nhất định, hướng tới trở thành một trong 4 mũi nhọn kinh tế của tỉnh, trong đó ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với sản xuất là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Thời điểm mới thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 1991), hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên hầu hết các xã nông thôn gần như không có điện và mạng lưới giao thông chủ yếu là đường đất; tỷ lệ dân số thuộc diện đói nghèo chiếm tới 25%. Theo thống kê, năm 1992, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 23% cơ cấu các ngành kinh tế, công nghiệp chỉ chiếm 14,5%, còn lại là dịch vụ (chủ yếu liên quan đến khai thác dầu khí) chiếm tới 62,5%. Đến những năm 1995, dẫu chiếm tỷ trọng cao nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu sản xuất theo hình thức thủ công, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống thủy lợi tưới tiêu, giao thông nội đồng, cấp điện cho sản xuất gần như chưa có.
Để khắc phục khó khăn cũng như hướng tới phát triển nông nghiệp trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp với hàng loạt chương trình, dự án như: đầu tư 31 hồ chứa với tổng sức chứa trên 300 triệu m³, trong đó, hồ Sông Ray và hồ Đá Đen trữ lượng 240 triệu m³, cung cấp sản lượng nước tiêu thụ cho toàn tỉnh là 210 triệu m³/năm.
Tỉnh cũng xây dựng và kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu, hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp CNC được đẩy mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 12.400 tỷ đồng, gấp 26 lần so với thời điểm năm 1992, trong đó, sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm tỷ trọng lên đến 30%. Đến năm 2021, tỉnh có đến 344 cơ sở sản xuất trồng trọt CNC, tăng 259 cơ sở so với năm 2020 với quy mô diện tích 3.423ha. Trong đó có 2.559ha cây ăn quả, 730ha hồ tiêu, 35ha rau các loại, 12ha dưa lưới, 27ha nấm và một số loại cây khác. Đặc biệt, Chị Phan Thị Thơ ở xã Long Tân, Huyện Đất Đỏ, BR-VT cho biết: "Trồng dưa lưới, dưa sữa nhật Bản, nhờ hệ thống nhà màng khép kín, mà vườn dưa gia đình tôi tránh được côn trùng gây hại; đồng thời cũng giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cách làm này cũng giúp giảm chi phí cho công chăm sóc - tưới nước".
Còn trong chăn nuôi, hiện có 80 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm đầu tư ứng dụng nông nghiệp CNC, với tổng đàn là 114.000 heo thịt, 39.287 heo nái, 2.535.000 gà thịt, 90.000 gà giống, 54.000 vịt giống. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, ở tỉnh Đồng Nai đầu tư nuôi gà công nghiệp tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT. Với công nghệ chuồng lạnh khép kín, trang trại chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài vào vật nuôi. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất nuôi tăng gấp 3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Sản phẩm của DN được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX NN công nghệ cao (CNC) Long Thành Phát cho hay: "Nuôi như thế này về môi trường rất là tốt, năng suất chăn nuôi cao, đặc biệt gà không bị bệnh. Nuôi kiểu này là chúng ta kiểm soát được tiểu khí hậu trong chuồng nuôi, đáp ứng được yêu cầu theo tuổi của con gà nên gà ít bệnh, cho năng suất cao".
Riêng với lĩnh vực thủy sản, có 15 cơ sở nuôi thương phẩm và sản xuất giống thủy sản theo CNC, với tổng diện tích khoảng 400ha, tăng khoảng 50ha so với cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn cần phải cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở lĩnh vực khai thác hải sản và chống đánh bắt trái phép cần được thực hiện quyết liệt để hướng tới phát triển một ngành nông nghiệp thật sự bền vững.
Qua 30 năm hình thành và phát triển, diện mạo nông thôn của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thay đổi tích cực với 46/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 19/47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tại xã NTM đạt từ 60 triệu đồng/người/năm trở lên, trong đó TP Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các huyện Đất Đỏ và Long Điền đã đạt chuẩn NTM, còn lại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức đang lập hồ sơ trình Hội đồng thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.79910141103212202-gnuv-neb-gnouh-oeht-neirt-tahp-uat-gnuv-air-ab-peihgn-gnon/et-hnik/nv.vtv