Pele mãi mãi ngự trị trong lòng người hâm mộ bóng đá toàn cầu - Ảnh: Reuters
Năm 1969, giữa thời điểm Nigeria chìm trong cuộc nội chiến khiến hàng triệu người thiệt mạng. Quân đội chính phủ và phiến quân Biafra đạt một thỏa thuận ngừng bắn trong hai ngày, để "vua bóng đá" Pele cùng CLB Santos đường hoàng tiến vào thủ đô Lagos đá giao hữu.
Và đó mãi mãi là một trong những giai thoại ấn tượng nhất, lãng mạn nhất của thế giới bóng đá.
Pele là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, không ai có thể so sánh với ông ấy.
Franz Beckenbauer
Pele là người vĩ đại, còn tôi chỉ là người thường. Tôi không cố bắt chước Pele vì ai cũng biết ông ấy vĩ đại nhất.
DIEGO MARADONA
Pele là cầu thủ bóng đá duy nhất vượt qua giới hạn của logic.
JOHAN CRUYFF
Sứ giả hòa bình
Đó cũng là thời điểm đỉnh cao sự nghiệp của Pele, khi ông 29 tuổi và sắp sửa tham dự kỳ World Cup thứ ba trong sự nghiệp. Ngoài Pele, đội hình CLB Santos lúc ấy cũng tràn ngập những siêu sao Brazil như Zito, Pepe, Coutinho...
Câu chuyện kể rằng khi ấy sự quyến rũ của bóng đá Samba đã khiến nội chiến của Nigeria phải tạm dừng. Phiến quân Biafra thậm chí còn bắc một cây cầu từ vùng đất ly khai sang nước láng giềng Benin để người hâm mộ tiện đi lại.
Suốt quãng thời gian Pele và các đồng đội đặt chân đến đây, thủ đô Lagos hoàn toàn yên bình. Còn trận đấu giữa CLB Santos và đội bóng Stationary Stores của Nigeria thì diễn ra đầy mãn nhãn. Pele ghi một cú đúp và trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 2-2.
Âm hưởng của bóng đá kéo dài đến hơn một tuần sau đó, tiếng súng mới nổ lại.
Tất nhiên, giai thoại chỉ là giai thoại. Những người dân địa phương Nigeria sau đó tìm hiểu lại thực hư câu chuyện qua các tờ báo và sự thật được tiết lộ.
Đúng là khi Pele đến thi đấu, thủ đô Lagos đã được đặt trong trạng thái yên bình, nhưng đó là nhờ vào khả năng đảm bảo an ninh của quân đội Nigeria chứ không hề có thỏa thuận ngừng bắn nào cả. Còn cây cầu bắc từ Benin sang vùng ly khai đã tồn tại từ lâu để đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân nơi đây, chứ không phải vì mục đích bóng đá.
Bản thân Pele từng thừa nhận bản chất của câu chuyện trong cuốn hồi ký của mình. "Chính phủ Nigeria khi đó đã đảm bảo rằng phiến quân sẽ không thể xâm lược Lagos khi chúng tôi đến đó", ông nói.
Nhưng giai thoại đẹp đẽ vẫn xuất phát từ những sự thật đẹp đẽ. Sự thật là "vua bóng đá" và các đồng đội đã chấp nhận đặt chân đến Lagos trong một nỗ lực quảng bá hình ảnh bóng đá.
Suốt những năm thập niên 1960, CLB Santos tận dụng giá trị truyền thông của các ngôi sao và không ngừng thực hiện những chuyến du đấu sang châu Âu. Nhưng đến châu Phi lại là một câu chuyện khác, khi lục địa đen không mang lại nhiều giá trị kinh tế cho họ và lại chứa đựng quá nhiều rủi ro.
"Đội bóng không ép các cầu thủ, chúng tôi có quyền từ chối. Nhưng chúng tôi không làm vậy, chúng tôi muốn thi đấu và sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để kêu gọi hòa bình", đồng đội Lima của Pele nhớ lại.
Và dù với mục đích gì đi chăng nữa, "vua bóng đá" cùng các đồng đội thực sự đã mang đến cảm giác yên bình, niềm vui cho người dân Nigeria trong thời khắc loạn lạc. Họ thực sự đã chấp nhận rủi ro vì nỗ lực của mình.
Pele mãi mãi ngự trị trong lòng người hâm mộ bóng đá toàn cầu - Ảnh: Reuters
Vị thế của vua bóng đá
50 năm sau thời của Pele, những chuyến du đấu giờ đây đã trở thành thói quen trong thời đại bóng đá toàn cầu hóa. Nhưng chúng ta vẫn khó lòng tìm ra được những giai thoại đẹp đẽ như "vua bóng đá" ngày nào.
Tầm ảnh hưởng của Pele lớn đến mức, dù ông không quá ham muốn tham gia vào chính trị, chính trị vẫn chồng chéo lên cuộc đời của ông.
Năm 1961, Tổng thống Brazil Janio Quadros đã tuyên bố Pele là "báu vật quốc gia" để ngăn cản các CLB châu Âu tiếp cận ông. Kết quả là mãi đến năm 35 tuổi (năm 1975), Pele mới được xuất ngoại sang CLB New York Cosmos (Mỹ) thi đấu dưỡng già.
Năm 1970, Pele bị chế độ độc tài quân sự Brazil điều tra vì nghi ngờ có cảm tình với cánh tả, dù ông hầu như không tham gia các hoạt động chính trị. Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng thể thao Brazil. Nhưng rồi ông cũng phải từ chức vào năm 1998 sau một loạt đề xuất cải cách bất thành.
Đến năm 2013, Pele lại bị dư luận chĩa mũi dùi về quan điểm bảo thủ, khi ông kêu gọi người dân tạm dừng biểu tình để cùng ủng hộ tuyển Brazil.
Hình ảnh của Pele xuất hiện khắp nơi ở Brazil theo cách thức như thế, dù rằng ông thật ra đã sớm rời xa làng bóng đá chuyên nghiệp. Pele giải nghệ vào năm 1977 và từ chối bước vào con đường HLV, cũng như không tham gia hoạt động bóng đá đỉnh cao nào khác. Đây là điểm khác biệt rõ nhất của Pele so với các "tông sư" khác của làng túc cầu thế giới.
Chẳng hạn, Beckenbauer sở hữu sự nghiệp huấn luyện dày chẳng kém sự nghiệp cầu thủ và sau đó trở thành quan chức cấp cao của bóng đá Đức. Johan Cruyff để lại một di sản to lớn về chiến thuật trường tồn đến tận ngày nay. Và ngay cả Maradona bốc đồng với nhiều thói xấu cũng có thời gian làm HLV tuyển Argentina.
Nhưng Pele thì không. Với "vua bóng đá", ông chỉ trị vì sân bóng khi xỏ giày.
Đến những năm cuối đời, Pele thậm chí bị lôi ra làm trò cười trên mạng xã hội vì xu hướng "đoán đâu trật đó" của mình. Người hâm mộ thậm chí thường xuyên bịa ra những lời dự đoán không tưởng về kết quả World Cup, Champions League... và gắn tên Pele vào đó.
Nhưng suy cho cùng, điều này đồng thời phản ánh vị thế của Pele. Ông vĩ đại và gần gũi, trở thành một hình tượng dân gian, như "chú Sam" của người Mỹ.
Khi bước ra ngoài sân bóng, ông trở thành một người bình dị với nhiều vấn đề trong cuộc sống gia đình (Pele từng nhiều lần ngoại tình, ly dị, có con ngoài giá thú...), những hoạt động xã hội dang dở và cũng chẳng xuất chúng gì cho lắm khi phát ngôn về bóng đá.
Tài năng của Pele cũng không gắn liền với một hệ tư tưởng bóng đá nào. "Vua bóng đá" đơn giản chỉ xuất sắc trong sân bóng, nhưng mãi mãi để lại cho người hâm mộ ký ức đẹp về đôi chân thiên tài của mình.
Trong tất cả các huyền thoại bóng đá, Pele sẽ được nhớ đến như người đầu tiên, như một ông tổ nghề của làng túc cầu. Không phải chỉ vì Pele lớn tuổi hơn Beckenbauer, hơn Cruyff hay Maradona, mà có lẽ vì sự giản dị của người đàn ông xứ sở Samba. Chúa trời tạo ra trò chơi bóng đá, và đưa Pele đến để định nghĩa nó.
Pele mãi mãi ngự trị trong lòng người hâm mộ bóng đá toàn cầu - Ảnh: Reuters
Pele mãi mãi ngự trị trong lòng người hâm mộ bóng đá toàn cầu - Ảnh: Reuters
Messi: "Hãy an nghỉ, Pele!"
Rạng sáng 30-12 (theo giờ Việt Nam), "Vua bóng đá" Pele đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Albert Einstein ở Sao Paulo (Brazil). Ngay sau khi thông tin này được gia đình Pele cho biết làng bóng đá thế giới đã cùng gửi những lời chia buồn sâu sắc.
Neymar, ngôi sao đồng hương với Pele, là một trong những người lên tiếng sớm nhất khi viết những dòng chữ đầy xúc động: "Trước Pele, số 10 chỉ là một con số. Tôi đã đọc được câu này đâu đó trong cuộc đời mình. Nhưng câu nói đó dù đẹp, vẫn chưa hoàn chỉnh. Tôi sẽ nói rằng trước Pele, bóng đá chỉ là một môn thể thao. Pele đã thay đổi tất cả. Ông ấy biến bóng đá thành nghệ thuật, thành một môn giải trí".
Lionel Messi cũng chia sẻ ngắn gọn trên Instagram rằng: "Hãy an nghỉ, Pele" kèm hình ảnh anh đứng cùng Pele khi nhận Quả bóng vàng vào tháng 1-2012.
Còn Ronaldo viết: "Tôi xin dành sự chia buồn sâu sắc tới Brazil, đặc biệt là gia đình của Edson Arantes do Nascimento (tên thật của Pele). Một lời chào tới vị vua vĩnh cửu Pele là không bao giờ đủ để bày tỏ nỗi đau mà thế giới bóng đá phải chịu đựng".
'Nhà vua' Pele đối với bóng đá cũng như Shakespeare đối với sân khấu và Beethoven đối với âm nhạc. Nhận xét về ông, hai từ 'vĩ đại' đôi khi lại không thể diễn tả hết những gì mà ông đã đóng góp cho môn thể thao vua.
Xem thêm: mth.89381213203212202-ad-gnob-auc-aig-us-elep/nv.ertiout