Những chiếc bánh phồng tại làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đang được treo hong gió trước khi mang đi phơi nắng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tranh thủ những ngày nắng đẹp cuối năm 2022, ông Lê Trúc Lâm cùng công nhân đang khẩn trương cho ra lò những mẻ bánh phồng để phơi. Dù có công nghệ sấy khô nhưng theo ông Lâm, để bánh có vị tự nhiên thì phơi nắng vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Ông Lâm là chủ của một trong 50 lò sản xuất bánh phồng ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Theo ông Lâm, mỗi ngày cơ sở của ông cho ra lò hơn 10 thiên bánh (10.000 cái).
"Khoảng 10 năm nay, cơ sở của tôi chuyển sang đầu tư máy móc hiện đại nên sản lượng bánh cũng tăng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm. So với mọi năm, năm nay số lượng người đặt bánh cũng tăng", ông Lâm phấn khởi nói.
Làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc có hơn 100 năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
Hiện tại, làng nghề có Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có nhãn hiệu tập thể bánh phồng Sơn Đốc.
Làng nghề có 51 cơ sở làm sản xuất bánh phồng, trong đó có 26 cơ sở sản xuất bánh phồng mì dán chuối. Bánh phồng nếp Sơn Đốc được làm từ các nguyên liệu như nếp, nước cốt dừa, mì, sữa, đường, muối, mè, …
Nếp làm bánh phồng là loại nếp ngon, dẻo (người dân hay gọi là nếp rặt). Ngoài bánh phồng nếp ra, trong làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn sản xuất bánh phồng mì, mì tôm, bánh phồng mì dán chuối.
Ông Lê Văn Nhân, chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, cho biết hiện các cơ sở đang chuẩn bị hàng Tết nên sản lượng bánh tăng khá nhiều. Tính riêng tổng sản lượng 6 tháng cuối năm 2022 các cơ sở sản xuất được 20.000.000 cái, đạt doanh thu trên 20 tỉ đồng.
"Bánh phồng được tiêu thụ rộng trong và ngoài nước, tập trung ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung và ĐBSCL", ông Nhân cho biết.
Bên cạnh đó, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng với hơn 200 hộ tham gia và tập trung sản xuất chủ yếu vào tháng 10, 11 và 12 âm lịch hằng năm để phục vụ thị trường Tết. Trung bình mỗi hộ sản xuất khoảng 30.000 cái bánh.
Theo ông Nhân, sản phẩm bánh tráng Mỹ Lồng năm nay tiêu thụ rất mạnh trên thị trường.
"Hiện tại, các hộ sản xuất bánh sản xuất bánh tráng không đủ giao bán, chỉ giao bán theo hợp đồng đã ký trước để phục vụ trong dịp Tết.
Hiện làng nghề có 3 hộ xã viên là nòng cốt và được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Định hướng xây dựng cho chủ thể là Hợp tác xã Bánh tráng Mỹ Lồng, cải tiến nhãn mác, bao bì sản phẩm, tiêu thụ rộng rãi sản phẩm ra thị trường với sản lượng lớn hơn", ông Nhân nói.
Công nhân tại một cơ sở sản xuất bánh phồng Sơn Đốc đang loại bỏ những phần bột dư trên chiếu phơi bánh - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những chiếc bánh phồng bột mì tại làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đang được phơi nắng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những chiếc bánh sau khi được phơi khô sẽ được cắt tỉa gọn gàng trước khi đóng gói - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những chiếc bánh phồng Sơn Đốc được phơi những nơi cao ráo, đủ nắng trong khoảng 4 giờ đồng hồ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Người dân làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre tất bật với công việc phơi bánh - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những chiếc bánh tráng, bánh phồng được đóng gói cẩn thận và đưa lên kệ hàng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hiện những chiếc bánh phồng Sơn Đốc đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tại 2 làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hằng ngày có trên dưới 1.000 lao động làm thường xuyên - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
TTO - Thay cho rượu ngoại, bánh ngoại, thực phẩm nhập khẩu..., giỏ quà Tết năm nay có xu hướng dịch chuyển về các sản phẩm, sản vật địa phương, mang tính vùng miền cao và tiện sử dụng.