vĐồng tin tức tài chính 365

EVFTA “bắc cầu” hiệu quả cho hàng Việt sang EU

2022-12-31 15:15
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang EU tổ chức vùng trồng, chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn Ảnh: Đ.T

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang EU tổ chức vùng trồng, chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn Ảnh: Đ.T

Xuất khẩu sang EU tăng ấn tượng từ khi có EVFTA

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine, con số 47,5 tỷ USD xuất khẩu sang EU (cao hơn mức thực hiện năm 2021 khoảng 7 tỷ USD) có thể gọi là một kỳ tích.

Để có được kết quả này, phải kể tới việc tận dụng nhanh nhạy và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của các doanh nghiệp, ngành hàng.

Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định tại sự kiện tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA do Bộ Công thương tổ chức hôm 27/12.

Có 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, bao gồm: máy vi tính; dệt may; máy móc và thiết bị; giày dép; rau quả tươi, rau củ quả chế biến; gạo; thuỷ sản (cá tra và các sản phẩm khác).

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - EU đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước (trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%). Sang năm thứ hai, con số là 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9% (trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%).

Riêng 11 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD (tăng 21%), cả năm 2022 dự kiến đạt 47,5 tỷ USD.

Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực: dệt may tăng 24%, giày dép tăng 19%, thủy sản tăng 41%…

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU thật đáng kinh ngạc. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu có tác động rất tích cực từ việc thực thi EVFTA, nhưng một mặt còn ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường không chỉ có hàng hóa sản xuất tại châu Âu, mà còn có hàng từ khắp nơi đổ về, trong đó có Trung Quốc, Mỹ…

- Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam

Ngành gạo, dù chưa khai thác hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan (80.000 tấn được miễn thuế xuất khẩu sang EU mỗi năm), nhưng lượng gạo xuất khẩu cũng đã tăng dần. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công các lô hàng mang thương hiệu gạo Việt, đưa gạo Việt lên kệ tại tại hệ thống bán lẻ ở Pháp, Đức…

Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nếu năm 2018, Tập đoàn mới xuất khẩu vào EU hơn 2.000 tấn gạo, các năm 2019 - 2021 đạt khoảng 10.000 - 12.000 tấn/năm, thì năm 2022 bật tăng ấn tượng lên mức 24.000 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời), con số ấn tượng này là nhờ hiệu ứng từ EVFTA. Từ khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp chú trọng hơn tới sản phẩm hàng hóa tiếp cận khách châu Âu. “Sản lượng xuất khẩu sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong những năm tới”, ông Hiếu quả quyết.

Không chỉ thể hiện ở mức tăng trưởng của lượng hàng hóa xuất khẩu, việc thực thi EVFTA còn cho thấy điểm sáng khi các ngành hàng đã nỗ lực, đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan cho các lô hàng xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với năm 2020. Trong 10 tháng của năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Yêu cầu cao về chuẩn hóa sản xuất

Xuất khẩu sang EU tăng trưởng cao sau 2 năm đầu tiên thực thi EVFTA, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều vấn đề phải xử lý, tính toán với từng ngành hàng, doanh nghiệp để khai thác dư địa tăng tốc xuất khẩu và hưởng các khoản thuế ưu đãi theo cam kết. Đạt được cả 2 điều này, thì việc thực thi EVFTA mới thực sự ý nghĩa.

Từ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa sang EU của Tập đoàn Lộc Trời, ông Hiếu lưu ý, thị trường EU có yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên doanh nghiệp phải tổ chức vùng trồng, chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn. Chỉ một lô hàng bị kiểm tra mà phát hiện vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị “soi” rất kỹ các lô hàng xuất khẩu tiếp theo.

Không dễ để gia tăng thị phần nhanh chóng tại EU, vốn là thị trường có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Mấu chốt để gia tăng xuất khẩu bền vững phải bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của từng ngành hàng, nhất là với nhóm hàng hóa nông - thủy sản.

Tín hiệu đáng mừng là việc thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, đã thúc đẩy các doanh nghiệp ngành nông nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, đáp ứng yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết thành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng đạt chuẩn châu Âu.

Tuy nhiên, khâu vận chuyển đang làm khó sản phẩm xuất khẩu, làm đội giá thành… Chẳng hạn, một số sản phẩm trái cây tươi như nhãn, vải… xuất sang châu Âu bằng đường hàng không quá đắt đỏ, tính vào chi phí giá, nên sản phẩm khó cạnh tranh, dù theo cam kết EVFTA, nhóm hàng rau quả có mức thuế là 0%.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) lưu ý, EU quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường trong hàng hóa nhập khẩu. Họ xem xét rất kỹ quá trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường không, đảm bảo tính bền vững không…, nên các doanh nghiệp trong nước phải lưu ý các vấn đề này và tuân thủ, nếu muốn xuất khẩu sang EU.

Đơn cử, Cộng đồng châu Âu (EC) đã công bố quy định về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (đánh thuế hàng nhập khẩu đối với nhà sản xuất không thực hiện cắt giảm phát thải carbon); EU cũng cấm nhập các sản phẩm cà phê, ca cao được sản xuất trên đất do phá rừng…

Xem thêm: lmth.818213tsop-ue-gnas-teiv-gnah-ohc-auq-ueih-uac-cab-atfve/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“EVFTA “bắc cầu” hiệu quả cho hàng Việt sang EU”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools