Hành vi áp đặt kết quả siêu âm với người bệnh được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03, Công an TP.HCM) phát hiện sau khi kiểm tra đột xuất hoạt động khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Âu Á thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ y tế Âu Á tại địa chỉ số 425 đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6.
Không siêu âm vẫn có kết quả siêu âm?
Giám đốc Sở Y tế khẳng định với những kết luận áp đặt này sẽ làm cơ sở để phòng khám vẽ bệnh moi tiền người bệnh. Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM đấu tranh làm rõ hành vi này, cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, qua kiểm tra đột xuất, đoàn liên ngành xác định Phòng khám đa khoa Âu Á đã vi phạm một số quy định trong hành nghề khám chữa bệnh.
Cụ thể, chưa báo cáo bổ sung máy siêu âm CBit 4, có đầu dò siêu âm âm đạo; thực hiện kỹ thuật siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo khi chưa được Sở Y tế thẩm định.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện các kết quả siêu âm đã thực hiện trước đó cho người bệnh có dấu hiệu bị áp đặt (có thể không siêu âm nhưng vẫn kết luận).
Đơn cử như không có hình ảnh đo độ dày thành bàng quang nhưng kết luận lại ghi là "dày thành bàng quang", không có hình ảnh dịch tiền liệt tuyến nhưng kết luận lại cho rằng "tuyến tiền liệt có ít dịch".
Điều này, theo Thanh tra Sở Y tế, là cần phải làm rõ và phải xử lý nghiêm, nếu phòng khám này không giải trình được.
Nhức nhối chuyện mạo danh bác sĩ
Tại cuộc họp có sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM) sau vụ việc này, lãnh đạo Sở Y tế nói đang gặp một số thách thức trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế.
Theo Sở Y tế, các đối tượng này lợi dụng không gian mạng như tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube,...) để thực hiện hành vi quảng cáo; giới thiệu việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, mua bán các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế.
Một số cá nhân đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thông qua nội dung chia sẻ lại thực hiện việc quảng cáo cho hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở; mạo danh y bác sĩ quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh, đăng tải nội dung, hình ảnh có tính thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, sử dụng hình ảnh, đánh giá (review) của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc đăng thông tin quảng cáo trên các trang báo chí để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.
Sở Y tế khuyến cáo người dân lưu ý khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh có thể tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/, để biết thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động.
Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay, mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám chữa bệnh hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc tải app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.
Đó là Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu và Phòng khám đa khoa Nam Việt. Cả hai từng nhiều lần vi phạm, bị tước chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động có thời hạn nhưng vẫn ‘vẽ bệnh, moi tiền’.