vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì để xóa sổ tín dụng đen?

2023-12-01 08:48
Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nguy hiểm hơn, tội phạm tín dụng đen truyền thống hiện nay kết hợp với công nghệ với nhiều thủ đoạn đòi nợ khiến con nợ khiếp sợ.

Từ thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải làm sao để hạn chế và tiến tới xóa sổ tín dụng đen để các đối tượng cho vay nặng lãi không còn đất sống.

Cho vay lãi suất hơn 1.000%/năm

Tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-11, thượng tá Lê Vinh Tùng - phó phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an - cho biết tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến phức tạp.

Tín dụng đen kéo theo nhiều hệ lụy với mục đích là chiếm đoạt tài sản. Trước đây tội phạm tín dụng đen truyền thống dán quảng cáo cho vay ở cột điện, ở tường nhưng hiện nay tín dụng đen truyền thống đã kết hợp với công nghệ, biến tướng dưới dạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, chúng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.

Đặc biệt gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Qua đấu tranh, cơ quan công an nhận diện phương thức hoạt động tội phạm tín dụng đen là tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, công ty tài chính để dụ dỗ, mời chào vay tiền. Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân sau đó nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Vừa qua Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với công an TP.HCM, Tiền Giang, Hà Nội đã bắt và xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật. Các công ty này tuyển lao động không có bằng cấp, có trường hợp chỉ học hết lớp 3 để vào làm cho công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ.

Chúng gọi điện chửi bới, đe dọa sẽ giết người thân của khách vay rồi ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm, thậm chí có trường hợp còn mang quan tài, vòng hoa... đến nhà người vay vốn.

"Cho vay nhưng sau đó lại đòi nợ bố mẹ, bạn bè... của người vay. Mục đích của đối tượng cho vay tín dụng đen là hướng đến tài sản. Cơ quan công an xác định đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan công an đã xử lý hàng ngàn đối tượng vi phạm" - thượng tá Tùng cho hay.

Gần đây, qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay nặng lãi. Lãi suất cho vay lên đến trên 1.000%/năm.

Nhận thấy tình hình tội phạm tín dụng đen phát triển và diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành công điện 766 để xử lý triệt để tội phạm tín dụng đen. Riêng Bộ Công an, từ ngày 25-9 đã ra quân tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (thứ hai từ trái sang) và các khách mới  chia sẻ tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?”  - Ảnh: Q.ĐỊNH

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (thứ hai từ trái sang) và các khách mới chia sẻ tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” - Ảnh: Q.ĐỊNH

Lợi dụng trấn áp tội phạm để bùng tiền

Tuy nhiên, thượng tá Lê Vinh Tùng cũng cho hay khi thấy cơ quan công an tập trung triệt phá tín dụng đen, cho vay nặng lãi, nhiều người vay tiền tại các công ty tài chính chính thống... cố tình chây ỳ trả nợ.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, các đối tượng đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách bùng nợ khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Thực tế này khiến các công ty tài chính thu nợ rất khó khăn. Do lo ngại nợ xấu gia tăng nên một số công ty tài chính chưa chủ động cho vay tín chấp qua thiết bị điện tử với mức dưới 100 triệu đồng như quy định tại thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro (Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC) - cho hay đang gặp phải những khó khăn trong hoạt động cho vay tín dụng như: người vay không thể chi trả, đối tượng cho vay không đúng luật pháp, bùng nợ vay...

"Những khó khăn hiện nay đang đẩy những tổ chức tài chính tiêu dùng đối diện với nhiều thách thức. Chúng tôi không có cơ chế để thu hồi nợ với những người không trả tiền vay, trong khi chi phí đòi nợ ngày càng tăng cao. Điều đó dẫn đến chúng tôi không thể nào không tăng lãi suất và cũng không thể giảm lãi suất, phải siết các điều kiện cho vay. Hệ quả là kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng", ông Marcin Figlus nói.

17 năm làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng, bà Olena Khlon - phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance - nhận định: "Năm nay là một trong những năm khó nhất, chúng tôi đang đối mặt nhiều khó khăn và phải tìm ra giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả".

Tăng quyền cho người cho vay?

TS Lê Thị Hoàng Thanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), nhận định thực trạng bùng nợ vay tiêu dùng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý.

Qua rà soát phân tích quy định về trách nhiệm của người vay, có thể thấy các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề thu hồi nợ còn tồn tại một số điểm bất cập, hạn chế.

Cụ thể, bà Thanh cho hay các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng. Trong khi thực tế có khi sau khi cho vay tổ chức tín dụng lại trở thành bên yếu thế chứ không phải người đi vay.

Bên cạnh đó, theo phân tích của bà Thanh, các quy định hiện hành còn tiềm ẩn những vấn đề dễ dẫn đến tranh chấp, lợi dụng để khiếu nại, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ của người đi vay. Điển hình là về lãi suất.

"Pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ" - tiến sĩ Thanh nhận định.

TS Trương Thị Tuyết Minh, Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện vai trò của người đi vay khi bùng nợ với hàng chục nghìn thành viên. Với thực tế bùng nợ vay tiêu dùng hiện nay, chính sách cần đảm bảo sự cạnh tranh, sân chơi bình đẳng giữa tổ chức chính thức và chưa chính thức. Hoa Kỳ, Đức quy định cấp giấy phép cho các công ty fintech với điều kiện, vốn chủ sở hữu, cổ đông... như ngân hàng. Đây là giải pháp quan trọng.

Quy định quyền lợi của bên đi vay, theo tiến sĩ Minh, là đang thiếu. Hiện Luật Dân sự quy định lãi suất cho vay tối đa 20%/ năm. Bộ luật Hình sự là lãi suất cho vay không quá 5 lần lãi suất cho vay của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, chế tài đối với cho vay với lãi suất trái phép thì mức xử phạt 2-3 triệu, tối đa 20 triệu đồng. Những con số này không có tính răn đe đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, TS Minh cũng đề nghị tăng quyền của chủ nợ trong hoạt động ngân hàng. Bởi theo xếp hạng, Việt Nam có hệ thống bảo vệ quyền lợi của chủ nợ còn thấp và còn thiếu.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ "vay là phải trả", trong khi ở phía các tổ chức tín dụng cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Có thể giảm lãi suất cho vay tiêu dùng

Bà Olena Khlon cho hay năm nay SHB đã áp dụng chương trình định giá trên khách hàng. Khách hàng cung cấp nhiều thông tin chính xác, thiết thực sẽ nhận được mức lãi suất càng thấp. "Nếu chúng ta càng áp dụng thành công giải pháp tôi và các chuyên gia khác đưa ra trong hội thảo hôm nay thì lãi suất sẽ càng thấp", bà Olena Khlon nói.

● TS Lê Thị Hoàng Thanh (phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp): Trừ nợ gốc, các khoản tiền đều phải tính là lãi suất

Mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá là cao so với các nước khác, phổ biến từ 40 - 50%/năm, cá biệt lên đến 85%/năm - mức này quá cao, gây rủi ro cho bên cho vay và cả bên đi vay. Người vay cho rằng lãi suất quá cao, vượt quá khả năng chi trả của họ.

Ở nhiều nước như tại Nhật Bản, trừ nợ gốc, bất kể các món tiền gồm lãi suất, các khoản phí như phí kiểm tra, phí hoa hồng, phí giảm giá... đều được tính là lãi suất. Nên đây là kinh nghiệm để Việt Nam có thể tiếp cận, nghiên cứu.

● Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Đơn giản thủ tục kiện người vay ra tòa

Khi người vay trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay cần tìm tòa án để giải quyết. Theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, ở bất kỳ trường hợp nào khi quyền và nghĩa vụ không được đảm bảo thì phải đưa lên tòa án để giải quyết. Nhưng việc nộp đơn ra tòa án để được giải quyết thì thủ tục rất nhiêu khê. Tôi đề nghị những vụ việc đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ thì nên giải quyết rút gọn trong vòng 5-7 ngày.

● Thiếu tướng Trần Thanh Phong (phó cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an): Truyền thông là biện pháp hiệu quả

Xóa sổ tín dụng đen cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất. Việc truyền thông không chỉ về chính sách mà còn là hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội cũng như nhiều hệ lụy khác, như bắt giữ người trái phép.

"Đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen", ông Phong nhấn mạnh. Chẳng hạn chính sách cho những người mãn hạn tù vay tài chính để làm ăn. Hay chính sách hỗ trợ những người công nhân trong các trường hợp rủi ro, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp... để họ không phải vay tín dụng đen.

● Thượng tá Lê Vinh Tùng (phó phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an): Tiếp tục triệt phá tội phạm tín dụng đen

Về phía cơ quan quản lý, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Bộ Thông tin và Truyền thông nên tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động đối với các ứng dụng, website liên quan đến hoạt động tín dụng đen; có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.

Cấp có thẩm quyền nên sớm xem xét sửa đổi các quy định tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (điều 201 Bộ luật Hình sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.

Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác, giải pháp trước mắt là cần hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim "rác", tài khoản ngân hàng "ảo"; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng.

Hiểu về tài chính cá nhân, người dân sẽ tránh xa tín dụng đenHiểu về tài chính cá nhân, người dân sẽ tránh xa tín dụng đen

Tín dụng cá nhân nên được giảng dạy cho học sinh để tạo ra thế hệ hiểu biết về tài chính, tiết kiệm và đầu tư. Cùng đó là ban hành khung pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cả người cho vay và đi vay.

Xem thêm: mth.99002108010213202-ned-gnud-nit-os-aox-ed-ig-mal/nv.ertiout

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Làm gì để xóa sổ tín dụng đen?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools