Ngày 30-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã rời Fukuoka, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên trên cương vị mới. Trước khi tạm biệt Nhật Bản, ông đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu quốc tế về năng lượng hydrogen tại ĐH Kyushu, nơi có một người Việt Nam đang làm việc là TS Phạm Hùng Cường.
Nhật Bản đi đầu về hydrogen xanh
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, hạ nghị sĩ Soramoto Seiki, cũng là tiến sĩ về năng lượng, cho biết năng lượng hydrogen gồm nhiều loại, trong đó hydrogen xanh có nguyên liệu là năng lượng tái tạo. Chính phủ Nhật đặt mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ hydrogen chiếm 10% trong cơ cấu năng lượng và đang đầu tư rất nhiều để hiện thực hóa con số này.
TS Phạm Hùng Cường, người cũng có mặt trong buổi đón tiếp Chủ tịch nước, cho biết Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua chiến lược hydrogen vào năm 2017. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Nhật.
Thứ hai, theo ông Cường, Nhật Bản cũng muốn thoát khỏi sự bế tắc trong chính sách an ninh năng lượng của họ, đặc biệt sau sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima vào năm 2011 và giảm thiểu phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt.
Ông Cường cho biết ĐH Kyushu đã xây dựng mô hình "xã hội hydrogen" thu nhỏ ở cơ sở Ito. Đây là mô hình đầu tiên ở Nhật với nhiều máy móc và thiết bị hiện đại. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã sản xuất hydrogen xanh từ việc sử dụng một phần năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Hydrogen xanh được tạo ra sẽ dùng cho xe buýt, xe hơi và trong điều kiện lý tưởng, nếu dư thừa sẽ dùng cho các hệ thống pin nhiên liệu để sản xuất điện và làm nóng nước.
Việt Nam là nguồn cung tiềm năng
Nhu cầu về hydrogen xanh của Nhật là rất lớn, ước tính khoảng 3 triệu tấn vào năm 2030, 12 triệu tấn vào năm 2040. Nhật sẽ đầu tư khoảng 100 tỉ USD cho chuỗi cung ứng hydrogen trong vòng 15 năm tính từ năm 2023.
"Tuy nhiên, quá trình sản xuất hydrogen xanh đòi hỏi một lượng điện rất lớn, khiến việc sản xuất hàng loạt trên diện tích đất đai hạn chế của Nhật trở nên khó khăn. Do đó trong tương lai Nhật sẽ buộc phải nhập khẩu hydrogen xanh hóa lỏng", ông Soramoto Seiki nói.
Đồng quan điểm, ông Cường cho biết địa hình, địa chất của Nhật Bản phức tạp và không thuận lợi bằng các quốc gia khác khi triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Do đó, nếu Nhật sản xuất hydrogen bằng năng lượng tái tạo trong nước, hiệu quả kinh tế sẽ không như mong đợi.
"Chính vì vậy, họ sẽ hướng đến một cách khác là mang công nghệ, thiết bị sang một đất nước có tiềm năng về nắng và gió tốt để sản xuất hydrogen xanh, rồi đưa ngược lại Nhật Bản. Theo cách này thì giá thành hydrogen sẽ giảm đáng kể", ông Cường nói.
Việc Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới có tàu chở hydrogen hóa lỏng vào năm 2022 là minh chứng cụ thể cho hướng đi này.
Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời, đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản, đồng thời cũng đang theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0, "xanh hóa" nền kinh tế.
Theo ông Cường, hợp tác với Nhật về hydrogen xanh, Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, hydrogen xanh sẽ là nguồn năng lượng tiềm năng, đóng góp lớn vào quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác năng lượng xanh
Cũng trong trao đổi với Tuổi Trẻ, hạ nghị sĩ Soramoto Seiki đề xuất đưa vào sử dụng hệ thống lưu trữ điện quy mô lớn để mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông khẳng định với tình cảm dành cho Việt Nam, ông sẽ thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số thông qua Hội Chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản vừa mới ra mắt do GS.TS Trần Đăng Xuân làm chủ tịch.
Với kinh nghiệm 11 năm nghiên cứu công nghệ pin nhiên liệu thế hệ mới, TS Phạm Hùng Cường bày tỏ mong muốn loại pin này có thể được phổ biến ở cả hai nước trong tương lai.
Năng lượng hydrogen là nguồn năng lượng được nhiều nước trên thế giới ưu tiên phát triển hiện nay nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch.