Đúng vậy, tiền viện trợ mà các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt để trang bị vũ khí cho Ukraine sẽ không trực tiếp đến Ukraine. Chúng được sử dụng ở các bang của Mỹ để chế tạo vũ khí mới, hoặc thay thế các loại vũ khí được gửi đến Kiev từ kho dự trữ của Mỹ.
Theo báo Washington Post, trong số 68 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, gần 90% là đến với người Mỹ.
Viện trợ Ukraine tiếp sinh khí cho công nghiệp quốc phòng Mỹ
Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đang cung cấp một lượng tiền mặt lớn cho các nhà máy trên khắp nước Mỹ, mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động Mỹ.
Đến nay vẫn chưa có con số chính thức quỹ viện trợ quân sự của Mỹ đang đổ vào đâu. Báo Washington Post và Viện Doanh nghiệp Mỹ đã điều tra, lập danh sách các hệ thống vũ khí được sản xuất tại Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Kết quả, nhóm nghiên cứu xác định được 117 dây chuyền sản xuất tại ít nhất 31 bang và 71 thành phố của Mỹ, nơi công nhân Mỹ đang chế tạo các hệ thống vũ khí chính cho Ukraine.
Danh sách này không tính các nhà cung cấp đảm nhận cung ứng các cấu kiện thành phần cho các nhà thầu, chẳng hạn như nhựa và chip máy tính, thiết bị nhìn đêm, phụ tùng thay thế và đạn dược.
Viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine không chỉ tạo ra việc làm cho người Mỹ mà còn tiếp thêm sinh lực cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Vào tháng 10, thượng nghị sĩ Ohio JD Vance cho biết: “Tình trạng suy yếu của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ là một vụ bê bối quốc gia. Duy tu bảo quản nó là một trong những ưu tiên cấp bách nhất của Mỹ”. Viện trợ của Mỹ cho Ukraine góp phần giải quyết vấn nạn này.
Ví dụ, Mỹ đã không chế tạo được một tên lửa phòng không Stinger mới nào kể từ năm 2005. Giờ đây, do nhu cầu viện trợ cho Ukraine, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 624,6 triệu USD vào năm 2022 để chế tạo bổ sung tên lửa Stinger ở Tucson, bang Arizona nhằm thay thế khoảng 1.400 chiếc đã được gửi đến Ukraine.
Nếu không có nỗ lực tiếp tế cho Ukraine, dây chuyền sản xuất Stinger sẽ phải đóng băng lâu dài.
Hoặc lấy ví dụ về số tiền 600 triệu USD đang được sử dụng để chế tạo hai hệ thống vũ khí cho Ukraine ở thành phố St. Charles, bang Missouri: Một loại là bom tấn công trực diện (JDAM ER) và loại còn lại là bom dẫn đường bằng GPS chính xác cao.
Cơ hội hiện đại hóa quân đội Mỹ và đồng minh NATO
Chỉ để làm ra hai hệ thống bom vừa nêu, nguồn tài trợ của Quốc hội Mỹ đã bơm hàng triệu USD vào nền kinh tế của bang Missouri.
Món hàng “ngon ăn” nhất đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ là loại đạn pháo đơn giản. Những quả đạn pháo này luôn có nhu cầu cao trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Ukraine đang cần 6.000 đến 8.000 quả đạn pháo/ngày và Israel cũng đang đặt hàng cho Mỹ với số lượng hàng chục nghìn quả.
Trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ chỉ sản xuất chưa tới 15.000 quả đạn pháo/tháng. Hiện Lầu Năm Góc đã phân bổ 1,5 tỉ USD để tăng sản lượng lên 500% và trên đà đạt mức 100.000 trái/tháng.
Viện trợ của Mỹ cho Ukraine không chỉ buộc Lầu Năm Góc phải tăng cường khả năng sản xuất vũ khí, mà trên hết, nó đóng góp vào việc hiện đại hóa quân đội Mỹ.
Theo Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu John G. Ferrari, nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp, Mỹ đang cung cấp cho Ukraine những hệ thống vũ khí có tuổi đời hàng chục năm và “kho dự trữ của Mỹ sẽ được bổ sung bằng các phiên bản vũ khí tiên tiến hơn”.
Ngoài ra, Mỹ cũng tạo động lực để đồng minh NATO tặng hệ thống vũ khí cũ của Mỹ hoặc của Liên Xô cũ cho Ukraine, và Mỹ sẽ bán các hệ thống mới hơn, hiện đại hơn để thay thế.
Trong tiến trình này, Ba Lan đã gửi 250 xe tăng cũ của Liên Xô và Đức đến Ukraine và ký một thỏa thuận trị giá 4,75 tỉ USD vào tháng 4-2022 để mua 250 xe tăng M1A2 Abrams, được sản xuất tại nhà máy Lima, bang Ohio.
Mới đây, Phần Lan, quốc gia vừa hoàn tất thỏa thuận trị giá 9,4 tỉ USD để mua 64 chiếc F-35 hiện đại, sau khi tặng máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet cũ cho Ukraine.
Tổng cộng, có ít nhất 13 dây chuyền sản xuất ở 10 bang và 11 thành phố của Mỹ sản xuất vũ khí mới cung cấp bổ sung cho các đồng minh NATO, giúp thay thế thiết bị cũ được dọn kho gửi đến Ukraine.
Cuối cùng, theo nhận định của báo Washington Post: Việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga là vì lợi ích sống còn của chính nước Mỹ.
Theo một số nguồn tin của báo Telegraph (Anh), số xe tăng Abrams của Mỹ đã được triển khai lần đầu ở tiền tuyến Ukraine, trong bối cảnh Kiev buộc phải vào thế phòng thủ khi mùa đông đã đến gần.