Trong gần 40 hoạt động chính của người đứng đầu Nhà nước tại Nhật Bản, giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa là một trong những trọng tâm.
Nhiều hoạt động đã diễn ra, với tinh thần xuyên suốt là kết nối "từ trái tim đến trái tim", đồng thời thể hiện sự chân thành và thủy chung của con người Việt Nam.
Vẹn nghĩa trước sau
Dù đã trên cương vị mới với lịch trình bận rộn tại Nhật Bản lần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn không quên "người xưa, ơn nghĩa cũ".
Ông đã dành thời gian tiếp lãnh đạo các Đảng và nhóm các nghị sĩ, những người bạn Nhật Bản thân thiết với Việt Nam, trong đó có nhiều người là bạn bè khi ông đến Nhật Bản nhiều năm về trước.
Nhưng ấn tượng khiến nhiều người xúc động và để lại sự sâu lắng nhất, ắt hẳn là khi Chủ tịch nước gặp lại các gia đình Nhật Bản từng cho ông nơi ăn chốn ở gần 30 năm về trước.
Trước khi trở thành người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có nhiều năm làm việc trong mảng Đoàn. Quãng thời gian tuổi trẻ đó đã đưa ông đến với nước Nhật, thông qua các chương trình trao đổi thanh niên giữa hai nước.
Cuộc hội ngộ sau ba thập kỷ ngập tràn tiếng cười, bất ngờ và xúc động. Chủ tịch nước và phu nhân đã cùng ngồi, cùng ăn sáng với các gia đình ngày 29-11, cùng nhắc lại những kỷ niệm chưa bao giờ phai.
Đó là những ngày tháng các gia đình homestay đã tận tình giới thiệu cho "anh thanh niên Việt Nam" về văn hóa truyền thống và cuộc sống đời thường ở vùng nông thôn Nhật Bản qua những công việc thường ngày như nấu ăn, làm vườn, làm ruộng, múa hát dân gian, sinh hoạt cộng đồng.
Anh Nguyễn Bá Phước, đầu bếp trẻ phụ trách chuẩn bị bữa sáng cho cuộc gặp ngày 29-11, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sự xúc động khi chứng kiến Chủ tịch nước gặp lại các gia đình Nhật Bản và cô giáo cũ.
"Bản thân tôi cảm nhận được sự đồng cảm lớn nhưng cũng khâm phục Chủ tịch nước về tình cảm và trí nhớ của ông ấy.
Tôi từng ở Nhật Bản 10 năm, được nhiều người giúp đỡ nhưng tôi có nhiều thời gian hơn để gặp lại họ. Còn Chủ tịch nước, dù bận rộn rất nhiều việc, vẫn tranh thủ thời gian cho cuộc tái ngộ xúc động này", anh Phước chia sẻ.
Việt Nam, Nhật Bản đồng điệu âm nhạc, ẩm thực
Thái thượng hoàng Akihito, khi còn là Nhật hoàng, từng chia sẻ những tiếng nhạc lời ca mà nhà sư Phật Triết đến từ Việt Nam đem đến vùng Nara của Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhã nhạc cung đình nước này.
Chủ tịch nước cũng nhắc đến chi tiết này khi phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 29-11, xem đó là mở đầu lịch sử giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28-11, với sự tham dự của Chủ tịch nước và Phu nhân, Hoàng thái tử và Công nương Nhật Bản, đã phần nào thể hiện sự giao thoa đó.
Như một minh chứng cho sự gắn kết về văn hóa và con người, NSND Đặng Thái Sơn đã đệm piano cho giọng ca tài năng của Nhật Bản hát bài "Âm hưởng lời ca" do Thái thượng hoàng và Hoàng thái hậu Nhật Bản sáng tác.
Một ca khúc mang tên "Và hoa sẽ nở" cũng được trình diễn trong chương trình, với phối khí dành riêng cho đàn koto của Nhật Bản và dàn nhạc cùng sự tham gia của nghệ sĩ Endo Chiaki.
Với NSND Đặng Thái Sơn, nước Nhật không hề xa lạ và ông cũng là một nghệ sĩ Việt Nam nhận được nhiều sự tôn trọng tại xứ sở hoa anh đào.
Hơn 30 năm qua, ông đã giảng dạy các lớp cao học tại các trường âm nhạc hàng đầu như Đại học Nghệ thuật Tokyo, Trường Âm nhạc Toho. Ông là thành viên ban giám khảo của hầu hết các cuộc thi piano quốc tế quan trọng tại Nhật Bản như Hamamatsu, Sendai và Takamatsu.
Đặng Thái Sơn cũng là nghệ sĩ tiêu biểu trong chương trình truyền hình "Ngày mai" do NHK Nhật Bản sản xuất. Trong đó, ông đến thăm các sinh viên âm nhạc là nạn nhân của thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 tại Fukushima, Nhật Bản.
Ông chia sẻ với họ những trải nghiệm âm nhạc của mình, khuyến khích họ tiếp tục sự nghiệp giáo dục âm nhạc, nỗ lực và hướng tới tương lai.
Những nghệ sĩ Nhật Bản biểu diễn tại lễ kỷ niệm cũng ít nhiều có kỷ niệm với Việt Nam. Nhưng với nhạc trưởng Honna Tetsuji, đây là một sự kiện đặc biệt sẽ bổ sung vào danh sách những kỷ niệm của ông với nước Việt.
Ông từng là cố vấn âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc, rồi chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ năm 2009. Cũng chính nhạc trưởng Honna Tetsuji đã chỉ huy buổi diễn ra mắt quốc tế vở opera Công nữ Anio tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 9 năm nay.
Tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa Công chúa Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm.
Với đầu bếp trẻ Nguyễn Bá Phước, anh bày tỏ sự vinh dự và mong muốn được góp phần vào sự giao lưu văn hóa, trong đó có ẩm thực của hai nước, bởi anh tin "ẩm thực là con đường nhanh nhất để con người hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn".
Dù sinh năm 1992, anh Phước đã là bếp chính và bếp trưởng ở nhiều nhà hàng Nhật Bản truyền thống nổi tiếng. Anh cũng là người thứ chín trên thế giới được trao Huy hiệu vàng "Taste of Japan" từ Chính phủ Nhật Bản cho các món ăn Nhật Bản truyền thống.
"Với cuộc tái ngộ ý nghĩa của Chủ tịch nước và các gia đình homestay Nhật Bản, tôi đã lên một thực đơn là những món ăn truyền thống của hai nước, kết hợp những nguyên liệu đặc trưng và biểu tượng của Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó có món trứng cuộn lươn Nhật nướng than hoa", anh Phước nói thêm.
Anh đầu bếp trẻ chia sẻ trứng cuộn là món ăn sáng không thể thiếu của các gia đình truyền thống Nhật Bản. Và anh tin rằng trong quãng thời gian tuổi trẻ của Chủ tịch nước ở Nhật trên cương vị lãnh đạo Đoàn, ắt hẳn ông đã được các gia đình homestay mời món này.
"Đó là cách tôi hy vọng có thể gợi nhớ lại cho Chủ tịch nước và gia đình những kỷ niệm xưa", anh Phước chia sẻ.
Những biểu tượng của Việt Nam và Nhật Bản như hoa sen và củ sen Việt Nam với hoa cúc Nhật Bản, hay món phở gà Việt Nam cũng được anh Phước kết hợp trình bày. "Tất cả đều ồ lên vì chất lượng và sự kết hợp hài hòa, đầy ý nghĩa", anh nói thêm.
Trước các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh sự gắn bó từ lịch sử, quyết tâm cùng đưa quan hệ phát triển hơn nữa vì lợi ích của hơn 200 triệu người dân hai nước.