Đức kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề nợ công, vốn được xem là niềm tự hào về kỷ luật tài chính quốc gia. Một điều khoản trong hiến pháp đưa ra các hạn chế cụ thể thường được gọi là "phanh nợ". Cơ chế này giới hạn thâm hụt ngân sách không vượt quá 0,35% GDP.
Và trọng tâm của cơn hỗn loạn vừa qua chính là việc chính phủ đã lách các quy định của phanh nợ thông qua một loạt quỹ đặc biệt. Họ phân bổ lại ngân sách chưa sử dụng từ thời đại dịch sang quỹ biến đổi khí hậu, nhưng bị "tuýt còi".
Theo đó, ngày 15/11, Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết rằng việc tài trợ 60 tỷ euro (66 tỷ USD), tương đương 1,5% GDP được chuyển sang cho chi tiêu khí hậu là vi hiến, gây nguy hiểm cho tất cả nguồn tài chính.
Phán quyết gây ra rối ren trên chính trường. Trong khi các nhà lập pháp đang nỗ lực để bịt các lỗ hổng tài chính, các thành viên của liên minh chính phủ cầm quyền lao vào tranh cãi, còn phe đối lập cũng bị chia rẽ.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết Đức phải đối mặt với khoản thiếu hụt 17 tỷ euro (18,66 tỷ USD) trong ngân sách năm sau sau phán quyết. "Để so sánh, tổng ngân sách liên bang là 450 tỷ euro", ông cho biết.
Không có ngày cụ thể để chốt ngân sách năm 2024, theo người phát ngôn chính phủ Đức. Kế hoạch có thể hoàn tất trước Giáng sinh hoặc sẽ phải chờ đến tháng 1 năm sau. "Chúng tôi không cố ý và cũng không hành động cẩu thả. Nhưng rõ ràng đây là thời điểm cực kỳ khó khăn và đáng xấu hổ đối với một chính phủ", Bộ trường Lindner nói thêm.
Hôm 28/11, Thử tướng Olaf Scholz, hứa tại Hạ viện rằng sẽ tìm ra một số cách khắc phục. Chính phủ sẽ đưa ra một điều khoản khẩn cấp để đảm bảo chi tiêu cho năm 2023 được thông qua hợp pháp, nhưng không có lời giải thích nào về việc tiền cho năm tới sẽ đến từ đâu.
Vì nỗi ám ảnh về nợ công và quy định kiểm soát chặt chẽ của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện không thể kích cầu trong nước, tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình, theo Economist. Ví dụ, trừ khi Đức có thể làm gương, các nước khác ở châu Âu khó có thể cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.
Điểm kỳ lạ là tình trạng hỗn loạn về tài chính không liên quan gì đến kinh tế Đức. Thực tế, nước này còn phải khiến các quốc gia giàu có khác phải ghen tị vì vẫn còn nhiều dư địa để vay nếu muốn.
Nợ công của Đức chỉ tương đương khoảng 65% GDP, so với mức trung bình 90% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với hầu hết nước giàu. Đầu tư là một trường hợp rất rõ ràng của Đức cho thấy đang tụt hậu so với nhiều nơi khác. Sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, cơ sở hạ tầng của Đức rất cần được làm mới.
Đối mặt với nhu cầu chi tiêu mạnh mẽ cho kinh tế, nhưng những trở ngại chính trị và pháp lý khiến ông Scholz phải tìm một số cách để xoay xở. Đầu tiên là xem xét lại chi tiêu và cắt giảm các khoản không cần thiết. Nhiều năm sung túc đã khiến các chính phủ trước đây hào phóng trợ cấp hưu trí và y tế. Cắt giảm các khoản này sẽ khó khăn nhưng cần thiết.
Bước tiếp theo là tìm cách bảo vệ chi tiêu cho đầu tư. Ngay sau khi xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, chính phủ huy động 100 tỷ euro cho các lực lượng vũ trang để bù đắp cho nhiều năm thiếu đầu tư và vận động điều chỉnh hiến pháp để tách cam kết đó khỏi các điều khoản liên quan đến "phanh nợ".
Song song đó, ông Scholz cho lập một quỹ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khí hậu, được tài trợ bằng nợ dài hạn. Để tiến hành cần đa số nghị sỹ ở cả hai viện của quốc hội thông qua, điều mà nếu huy động riêng liên minh cầm quyền của ông vẫn không đủ số phiếu chấp thuận.
Ông cần cái bắt tay của đảng đối lập lớn nhất là Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). CDU là đảng chính dẫn dắt liên minh cầm quyền từ năm 2005 đến năm 2021 và là kiến trúc sư trưởng dưới thời Angela Merkel về việc phanh nợ. Nếu quay trở lại nắm quyền, họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch đầu tư, nên hợp tác với ông Scholz cũng là có lợi về dài hạn.
Đến nay, cuộc khủng hoảng ngân sách ở Đức đang tạo động lực mới cho việc cải cách các giới hạn nợ công tự áp đặt trong hiến pháp, khi cơn khát đầu tư vô cùng cần thiết đã lấn át nỗi ám ảnh chính trị trước đó về chính sách tài chính.
Chính trị gia Katja Mast thuộc đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ việc đình chỉ thực thi phanh nợ của hiến pháp thông qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. "SPD tin rằng có thể tìm ra lý do chính đáng" bà nói. Lý do khẩn cấp được viện dẫn là cuộc chiến ở Ukraine và chi phí trung hòa carbon nền kinh tế cũng như duy trì sự gắn kết xã hội.
Ngược lại, Hawkish Lindner và các đảng viên đảng Dân chủ Tự do của ông, ủng hộ mạnh mẽ kỷ luật tài chính, phản đối việc dỡ bỏ giới hạn đối với khoản vay mới. "Mối lo ngại của tôi là nếu chúng ta mô tả tình trạng khẩn cấp cho những sự kiện như vậy và thực hiện việc này hàng năm, chúng ta sẽ không nhận ra rằng đến một lúc nào đó, tình huống khẩn cấp sẽ trở thành một điều bình thường mới đáng trách và đáng tiếc", ông nói.
Theo Economist, Đức nổi tiếng về sự thận trọng không phải nhờ vào việc kiềm chế nợ nần mà vì những năm tăng trưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy nguồn thu thuế đã giúp giảm thâm hụt. Dù người Đức rất yêu thích quy tắc nhưng việc hãm nợ trước khi đạt được mức tăng trưởng như hiện nay sẽ là hành động tự hại bản thân. Thay vào đó, nên đưa các nguyên tắc như tính bền vững của nợ vào hiến pháp và để lại giới hạn thâm hụt cho các chính trị gia được bỏ phiếu.
Phiên An (theo The Economist, Reuters)