Mỗi ngày cảnh sát giao thông (CSGT) chia ra làm bốn ca, mỗi ca sáu tiếng, thực hiện kiểm tra nồng độ cồn theo kế hoạch trên toàn TP.HCM.
Vì sao CSGT kiểm tra nồng độ cồn cả ngày? Nhiều người dân băn khoăn cho rằng có nhất thiết phải kiểm tra nồng độ cồn vào ban ngày, nhất là buổi sáng, vì việc này ít nhiều gây trở ngại cho họ khi đi đường.
Đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết theo kế hoạch từ ngày 24-11 đến trước Tết Nguyên đán 2024, CSGT TP.HCM chia làm 10 cụm, trong đó năm cụm kiểm tra nồng độ cồn khu vực trung tâm và năm cụm ở vùng ven. Các cụm được kết hợp giữa lực lượng CSGT quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp các đội, trạm thuộc PC08 ở gần nhau.
Các cụm này thực hiện kế hoạch, chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm trên các tuyến đường và địa bàn của các đội, trạm trong cụm đó đảm trách. Mỗi ngày chia ra làm bốn ca, mỗi ca sáu tiếng. Mỗi ca tuần tra, kiểm soát của mỗi cụm có khoảng 20 cán bộ chiến sĩ tham gia xử lý vi phạm, địa điểm kiểm tra thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Theo đại diện PC08, việc triển khai kiểm tra theo cụm sẽ lợi thế hơn; từng cụm sẽ được lập chốt, tuần tra, kiểm soát khu vực rộng hơn. CSGT sẽ chủ động đổi địa bàn tuần tra, kiểm soát để luân phiên khu vực tuần tra, đảm bảo nguyên tắc không bị trùng lặp hoặc bỏ sót địa bàn.
Việc triển khai theo cụm sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra.
Kiểm tra không có nồng độ cồn, cảnh sát mời tiếp tục đi!
Một cán bộ CSGT ở TP.HCM cho biết việc đo nồng độ cồn vào ban ngày là thực hiện theo kế hoạch và vẫn phát hiện trường hợp vi phạm. Theo cán bộ này, ban ngày vẫn có người đi nhậu và vi phạm nhưng ít hơn so với ban đêm.
"Nếu biết sáng mai mình đi làm sớm thì có thể đêm trước mình không nhậu. Còn nếu đã nhậu thì phải biết kiểm soát tửu lượng. Nếu chắc chắn hơn thì sáng mai mình có thể di chuyển bằng xe công nghệ, xe công cộng hoặc nhờ người khác chở", vị cán bộ này nói.
Nhiều người đi đường tỏ ra khá bất ngờ khi thấy CSGT kiểm tra nồng độ cồn vào ban ngày. Lúc 12h45, CSGT dừng xe máy ông N.X.T. (41 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) kiểm tra. Ông T. có kết quả đo nồng độ cồn là 0,04mg/l khí thở (chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở). Ông T. bị lập biên bản và sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Ông T. cho biết buổi trưa có ăn cơm với đối tác và chỉ "nhấp môi" một ly bia để dùng bữa cho ngon miệng nhưng đã bị CSGT phát hiện và lập biên bản. "Buổi trưa tưởng công an không kiểm tra nồng độ cồn, lúc nãy có ngồi ăn cơm trưa và uống một ly bia, vẫn tỉnh táo chạy xe bình thường", ông T. phân trần.
Còn ông Nguyễn Đức Hùng (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bị CSGT dừng xe kiểm tra. Sau khi kiểm tra không có nồng độ cồn, CSGT cảm ơn và mời ông tiếp tục đi. Ông Hùng cho biết trước đây CSGT thường kiểm tra nồng độ cồn vào ban đêm nhưng hiện nay bất ngờ khi thấy CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn vào ban ngày.
Trong khi đó, ông Lê Thọ (trú tại quận Phú Nhuận) cho rằng có người say xỉn lái xe nhưng không phải vụ tai nạn giao thông nào cũng do nồng độ cồn gây ra.
"Cần xác định thời gian dễ phát sinh tai nạn giao thông do người đi xe có nồng độ cồn để lập chốt kiểm tra" - ông Thọ nói và nêu thực trạng vào ban ngày, giờ cao điểm người dân đi học, đi làm nhưng bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn như vừa qua là không hợp lý lắm.
Đà Nẵng đo nồng độ cồn chủ yếu buổi trưa và tối
Thượng tá Phạm Hồng Hải, phó trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, cho biết việc kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện xuyên suốt. Ngoài thời gian thường xuyên trong ngày thì tập trung vào các ngày lễ, Tết, ngày cuối tuần và mốc thời điểm tập trung chủ yếu là buổi tối và buổi trưa. "Qua công tác tuần tra có thể dừng tại một điểm, chốt để kiểm tra, xử lý một cách toàn diện, linh hoạt", ông Hải cho biết.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề nghị như trên sau khi cử tri TP.HCM cho rằng cần xác định khung giờ và cung đường “nóng” thay vì kiểm tra nồng độ cồn vào giờ cao điểm người dân đi làm, đi học, tránh gây phiền hà.