vĐồng tin tức tài chính 365

Di sản văn hóa là tinh hoa của Đà Lạt

2023-12-02 10:01
Khí hậu, cảnh quan là tài nguyên quan trọng để du lịch Đà Lạt phát triển bền vững - Ảnh: YIRU

Khí hậu, cảnh quan là tài nguyên quan trọng để du lịch Đà Lạt phát triển bền vững - Ảnh: YIRU

Tháng 12-2023, UBND TP Đà Lạt tổ chức Tuần lễ hoạt động kỷ niệm "Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển". Sự hòa quyện giữa phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc độc đáo và lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc đã tạo nên đô thị Đà Lạt 130 năm tuổi với nhiều nét riêng.

Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đà Lạt là đô thị độc đáo đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch khám phá, du lịch xanh bền vững. Do đó khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển chất lượng cao hiện tại và tương lai.

Tiến sĩ Phạm S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

* Thưa ông, Đà Lạt có những lợi thế nền tảng nào để phát triển?

Tiến sĩ Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Tiến sĩ Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

- Lạnh, ôn hòa là lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Song đô thị Đà Lạt còn là nơi hội tụ, sinh sống của 20 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc.

Đà Lạt được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự, việc bảo tồn và khai thác kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội du lịch.

Đà Lạt hiện đang sở hữu ba di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên"; Di sản tư liệu "Mộc bản triều Nguyễn" và Đà Lạt đã được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc.

Đà Lạt đang khẩn trương xây dựng hồ sơ trở thành thành phố di sản của thế giới.

Đặc biệt, Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên khu vực Tây Nguyên.

* Con đường phát triển kinh tế xanh, bền vững không hề dễ dàng?

- Đúng. Vẫn còn nhiều hạn chế cần nhìn nhận, khắc phục để phát triển bền vững. Có thể nói ra ngay những chuyện đã xảy ra và đang xử lý. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch để đăng ký đầu tư nhưng triển khai dự án quá chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn manh mún, cạnh tranh chưa lành mạnh. Có tình trạng tiêu cực trong việc đặt phòng, bán đặc sản gây mất lòng tin đối với du khách.

Trong thời gian qua, công tác truyền thông góp phần cho Đà Lạt phát triển thu hút du khách, tuy nhiên có lúc do ảnh hưởng thời tiết gây thiên tai truyền thông quá mức làm cho du khách e ngại đến Đà Lạt trong thời gian ngắn nhất định.

Nạn lấn chiếm đất rừng, san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình gây mất cảnh quan môi trường chưa quản lý triệt để. Phát triển nhanh nhà kính không theo chuẩn và đồng bộ đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và xu hướng phát triển du lịch xanh.

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tuy có nhiều cố gắng song đến nay chưa có những trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc gia và quốc tế mang tính chuyên nghiệp cao với quy mô 1.200 - 1.500 chỗ ngồi để tổ chức các chuỗi sự kiện đa ngành nhằm phát huy thế mạnh du lịch hội nghị, hội thảo...

* Vậy giải pháp được đưa ra thế nào, thưa ông?

- Đà Lạt là đô thị độc đáo đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch khám phá, du lịch xanh bền vững. Do đó khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển chất lượng cao hiện tại và tương lai. Đà Lạt cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:

Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có định hướng phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tiếp tục phát huy những thành quả du lịch trong thời gian qua, đặc biệt là những giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" bằng nhiều hình thức.

Thúc đẩy những chuyển biến ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, có sản phẩm chất lượng cao để du khách có điều kiện chi tiêu nhiều hơn và lưu trú tại Đà Lạt lâu hơn. Kinh tế đêm cũng là một giải pháp để hiện thực hóa định hướng nói trên.

Mở rộng hình thức hợp tác công tư để phát triển du lịch chất lượng cao ở Đà Lạt, cần có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương.

Đà Lạt có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ và quy định về du lịch chất lượng cao để các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương có thể đầu tư; tham gia quá trình quảng bá, quản lý du lịch chất lượng cao ở phạm vi quốc gia và quốc tế.

Tôi cho rằng không chỉ khuyến khích Đà Lạt hợp tác du lịch trong nước mà còn cần hợp tác quốc tế. Tự mình thăm dò thị trường rồi tổ chức xúc tiến dựa trên thế mạnh của mình.

Các hoạt động nói trên nhằm đa dạng sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch sáng tạo, du lịch giáo dục, du lịch giải trí và du lịch thể thao.

* Phát triển du lịch của Đà Lạt đang gặp khó bởi giao thông, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao. Việc này đang được xử lý thế nào?

- Tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương đầu tư như phát triển các dự án hạ tầng giao thông: dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Dự kiến đến năm 2026 sẽ hoàn thành và đấu nối với cao tốc Dầu Giây để kết nối thông suốt với TP.HCM.

Dự phóng cho sự phát triển của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đang thực hiện mở rộng Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.

Về quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai điều chỉnh "Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" với mục tiêu Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn xanh, thông minh, trung tâm giáo dục và đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao... có bản sắc văn hóa là thành phố đáng sống đối với du khách và dân định cư.

Thu hút các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu về du lịch như mô hình Thụy Sĩ; hình thành Học viện đào tạo CEO về du lịch quốc tế để tuyển sinh đào tạo học viên toàn cầu chuyên sâu về du lịch, bởi vì trên thế giới có loại hình du lịch nào thì Đà Lạt cũng có khả năng đáp ứng các loại hình du lịch đó, trừ du lịch biển.

Học viện sẽ phối hợp trải nghiệm thực tế ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoặc Bình Thuận và sẽ đáp ứng tất cả loại hình du lịch cho CEO toàn cầu.

Ngoài ra cần có giải pháp khai thác hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, thông qua các dự án du lịch cộng đồng. Trong tương lai Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch theo đặt hàng.

Du khách muốn đến phải đặt hàng trước vì đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam, là trung tâm đa dạng sinh học quốc gia và quốc tế.

Hội thảo du lịch vì sự phát triển bền vững của Đà Lạt

Hôm nay (2-12), tại Đà Lạt, báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức chương trình hội thảo - famtrip "Du lịch xanh - phát triển bền vững", với sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng.

Hội thảo diễn ra vào đúng dịp TP ngàn hoa kỷ niệm 130 năm thành lập và cũng là dịp tổng kết 20 năm triển khai chương trình "Nhãn hiệu xanh" trên địa bàn TP Đà Lạt. Tại đây các chuyên gia, những người làm du lịch sẽ cùng thảo luận bàn cách để du lịch phát triển xanh, bền vững.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ trao giải cho các tác giả tham gia diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững. Sau một thời gian phát động, ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài dự thi của độc giả cả nước cùng vì sự phát triển bền vững của Đà Lạt. Chiều 1-12, các tác giả đã tham gia chuyến Famtrip trải nghiệm những sản phẩm du lịch, điểm đến nổi bật tại Đà Lạt là Cao nguyên hoa, giao lưu cồng chiêng tại khu du lịch Bon Tor Nun.

* Ông Đặng Quang Tú (chủ tịch UBND TP Đà Lạt):

Thành phố âm nhạc

Ông Đặng Quang Tú

Ông Đặng Quang Tú

Năm 2022, TP Đà Lạt quyết tâm phục hồi du lịch với mục tiêu đón 4-5 triệu lượt du khách.

Mục tiêu đó sớm đạt được thông qua việc phối hợp các thế mạnh về nghỉ dưỡng - tham quan, với thể thao và nghệ thuật.

Ba mảng quan trọng đã tạo động lực phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023. Ghi nhận mới đây, TP Đà Lạt đã đạt hơn 6,5 triệu lượt khách, xấp xỉ cùng kỳ năm 2019, trước dịch COVID.

Giai đoạn tiếp theo là hành trình quan trọng của Đà Lạt.

Thành phố nhìn nhận du lịch xanh kết hợp văn hóa, nghệ thuật là xu hướng quan trọng trong ngành du lịch hiện tại và tương lai toàn cầu, với sự tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường và khám phá các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia.

* Hoa hậu Ngọc Hân:

Đà Lạt cấp hoa cho người dân trang trí nhà

Hoa hậu Ngọc Hân

Hoa hậu Ngọc Hân

Ngọc Hân thích nói về những điều nhỏ nhỏ của Đà Lạt, thích những căn nhà bằng gỗ cũ.

Những căn nhà nhỏ có trang trí hoa. Nhà Đà Lạt cứ có hoa là đẹp, bất kể kiến trúc.

Mình nghĩ thành phố nên mạnh dạn hỗ trợ hoa cho người dân trồng trước nhà, ban công...

Ôi, những căn nhà san sát ở nội ô mà phủ hoa thì âm nhạc buộc phải lên tiếng, hội họa chắc cũng không thể đứng nhìn.

Hơn cả triệu lời quảng cáo nếu cả hai ngôn ngữ nghệ thuật bắt sóng cùng nhau.

Di sản văn hóa là tinh hoa của Đà Lạt- Ảnh 5.

Ngắm đồi hoa Đà Lạt, hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêngNgắm đồi hoa Đà Lạt, hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng

Đến Đà Lạt trong những ngày đầu tháng 12, du khách không chỉ hưởng không khí se lạnh mà còn bất ngờ với những đồi hoa trải dài thơ mộng cùng trải nghiệm văn hóa bản địa.

Xem thêm: mth.97074458020213202-tal-ad-auc-aoh-hnit-al-aoh-nav-nas-id/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Di sản văn hóa là tinh hoa của Đà Lạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools