Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mãi cho hay giải ngân vốn đầu tư công được TP xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm phải thực hiện năm 2023. Đến nay đã giải ngân được khoảng 45% nên nhiệm vụ còn lại rất thách thức.
* Thưa ông, TP.HCM đã làm gì để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong những tháng qua?
- Thành ủy TP.HCM đã thành lập 13 tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát 38 dự án trọng điểm. HĐND đã thành lập đoàn giám sát để tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công, giám sát thực tế tại hiện trường nhiều dự án, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, các địa phương.
Tại các hội nghị giao ban giải ngân định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, tôi đều trực tiếp chủ trì và có các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ, thời hạn cụ thể rõ ràng. Trong đó yêu cầu các đơn vị có kế hoạch giải ngân vốn, đưa ra yêu cầu cụ thể công việc từng tháng.
Các sở ngành được yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư dự án xuống ít nhất 30% thời gian. UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ.
Ngoài ra tôi đã chỉ đạo kiện toàn và tiếp tục phát huy vai trò của ba tổ công tác về đầu tư công của TP gồm: Tổ công tác giải quyết vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án; Tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
TP đã phát động thi đua 60 ngày đêm, phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu đã đề ra.
* Trong đánh giá mới đây, ông cho rằng có tình trạng có đơn vị "chưa làm hết sức"?
- Về việc này tôi đã giao cho Sở Nội vụ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí đánh giá. Tập thể và cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP có tỉ lệ giải ngân thấp, sẽ bị phê bình, kỷ luật, trừ điểm thi đua trong thang điểm đánh giá. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các nguyên nhân, UBND TP sẽ có những hình thức xử lý phù hợp.
* TP.HCM có kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án mà TP đang triển khai?
- Việc Quốc hội ban hành nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã góp phần hỗ trợ TP tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan để đầu tư công.
Tuy vậy, để thuận lợi hơn trong đầu tư công, tôi kiến nghị các cơ quan bộ ngành, trung ương cần nghiên cứu khả năng tinh giản, lược bỏ một số bước trong quy trình, thủ tục đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các bước ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Các bộ sớm xem xét trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (CRUS 1); cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (CRUS 2) và sắp tới là đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM...
Đồng thời các bộ ngành cần sớm có hướng dẫn, tháo gỡ đối với các vướng mắc trong một số dự án quan trọng như giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, dự án tuyến metro số 1, số 2 để sớm hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Cam kết tỉ lệ giải ngân vốn không thấp hơn 80%
Đến nay trong tổng vốn đầu tư công được giao là 68.634,311 tỉ đồng, TP đã giải ngân đạt 26.309 tỉ đồng (38,3%). TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có số vốn đầu tư công giải ngân cao nhất cả nước.
Với các biện pháp đã nêu trên, dự kiến hơn 25.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân từ nay đến hết niên độ kế hoạch 2023. Các cơ quan, đơn vị cơ bản cam kết giải ngân được số vốn đã giao với tỉ lệ không thấp hơn 80%.
Tính đến tháng 11-2023, TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công đạt 45,2%. Dù tỉ lệ giải ngân chưa đạt mục tiêu nhưng con số tuyệt đối (tổng số vốn) giải ngân cao hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 3 cả nước.