6h ngày 23/12/1998, các nữ sinh sống trong ký túc xá trường Trung học số 1 Tĩnh Hải ở thành phố Thiên Tân lần lượt thức dậy vệ sinh cá nhân chuẩn bị lên lớp. Tuy nhiên, họ nhanh chóng phát hiện một mùi hăng nồng gây khó thở lan khắp tầng ký túc xá. Tìm kiếm nơi phát ra mùi, họ đến phòng số 113, thấy cửa khép hờ nên đẩy mở. Cảnh tượng trước mặt khiến họ sợ hãi đến mức khuỵu ngã, suýt ngất xỉu tại chỗ.
Trong căn phòng nhỏ, thi thể bảy nữ sinh nằm rải rác với nhiều tư thế. Việc đồng tử của họ đã co lại bằng đầu mũi kim cho thấy nhiều dấu hiệu rất giống với ngộ độc cấp tính. Trên bàn ký túc xá có táo, lê chưa ăn hết, dao gọt trái cây và vài cốc uống nước.
Phòng số 113 có 8 nữ sinh đều học năm cuối cấp. Người duy nhất sống sót là Tôn Á Vũ, 17 tuổi, được nhìn thấy rời khỏi phòng lúc 6h như thường lệ để đến sân thể thao. Khi cảnh sát tìm thấy Vũ, nữ sinh này đang thong thả đi dạo trên sân trường.
Cảnh sát nhận định Vũ đã ở trong phòng ký túc xá cả đêm qua với bảy thi thể, thậm chí đã chứng kiến toàn bộ quá trình tử vong bi thảm mà không có phản ứng nào.
Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ pháp y phát hiện trong dạ dày và chất nôn của bảy nạn nhân có cùng một loại hóa chất được tìm thấy trong dung dịch còn sót lại ở cốc nước trên bàn, thường có trong thuốc trừ sâu phorate. Đồng thời, kết quả khám nghiệm cũng cho thấy cả bảy cô gái chết vì ngộ độc phốt pho hữu cơ.
Phorate là loại thuốc trừ sâu có độc tính cao, mùi khó chịu. Người tiếp xúc với lượng lớn phorate trong thời gian ngắn sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng như buồn nôn, nôn mửa, co đồng tử, phù phổi và liệt cơ hô hấp, người trúng độc nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ không thể sống sót.
Theo giáo viên và bạn học, bảy nữ sinh vẫn đến lớp từ sáng đến tối 22/12, không có hành vi bất thường. Tuy nhiên, hai cô gái sống ở phòng 112 đối diện phòng 113 khai với cảnh sát rằng, vào khoảng 23h50 ngày 22/12, họ chợt tỉnh giấc vì ngửi thấy mùi hăng nồng gay mũi nhưng không rõ phát ra từ đâu, không muốn đi kiểm tra giữa đêm nên họ cố ngủ tiếp. Như vậy, thời điểm tử vong của bảy nạn nhân được xác định trong khoảng thời gian từ khi kết thúc giờ tự học buổi tối đến nửa đêm. Nhân viên quản lý ký túc xá cho biết ký túc xá nữ được quản lý khép kín theo quy định nghiêm ngặt, không cho phép người ngoài vào.
Cảnh sát phát hiện dấu vân tay của Vũ trên cốc uống nước của một số nạn nhân. Trong dạ dày và chất nôn của các cô gái đều có thành phần của táo và lê, đồng thời dấu vân tay của Vũ cũng được phát hiện trên dao gọt trái cây.
Khi cảnh sát điều tra nguồn gốc của phorate, một chủ cửa hàng ở huyện Tĩnh Hải khai rằng vào ngày 22/12, một cô gái đến mua chai thuốc trừ sâu phorate. Chủ cửa hàng xác định người mua là Vũ.
Chai thuốc trừ sâu được tìm thấy ở một góc trong khuôn viên trường. Ngoài dấu vân tay của chủ cửa hàng, trên chai còn có dấu vân tay của Vũ.
Lúc này, tất cả manh mối đều hướng đến nghi vấn Vũ đã đầu độc bảy người bạn cùng phòng. Ngày 24/12/1998, Vũ bị bắt. Nữ sinh 17 tuổi hoảng sợ khai với cảnh sát rằng mình không phải kẻ sát nhân, kẻ đầu độc thực sự là Lưu San San, một trong bảy nữ sinh thiệt mạng.
Theo lời thú nhận của Vũ, khoảng một năm trước khi vụ việc xảy ra, San hẹn hò với bạn cùng lớp tên Nhất Minh. Đến tháng 9/1998, Minh đề nghị chia tay khiến San đau khổ, thậm chí dần rơi vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng và nảy ý định tự tử.
Ngày 22/12/1998, San nhờ Vũ mua giúp một chai thuốc trừ sâu, Vũ đồng ý. Theo yêu cầu của bạn, Vũ rời trường ra chợ mua một chai phorate và một bình nước bằng nhựa để pha thuốc.
Sau khi tan học, tám nữ sinh trở về ký túc xá. Lúc 22h, San gọi riêng Vũ ra hành lang, nói tối nay mình sẽ uống thuốc trừ sâu tự tử. Tuy nhiên San nói, nếu chết một mình sẽ rất cô đơn, hy vọng Vũ có thể giúp đầu độc sáu người bạn cùng phòng còn lại. Biết uống thuốc trừ sâu sẽ rất đau đớn, San dặn dò Vũ phải để ý kỹ mọi người, không cho họ phát ra âm thanh nào thu hút sự chú ý. Vũ tiếp tục đồng ý.
Tối muộn hôm đó, San lấy ra chiếc bình chứa đầy thuốc trừ sâu, nói với các bạn cùng phòng: "Đây là thuốc phòng bệnh lao phổi mình mang từ nhà lên, bọn mình chia nhau cùng uống nhé".
Thời điểm đó, bệnh lao đang hoành hành ở trường trung học số 1 Tĩnh Hải, không ít học sinh cuối cấp bị chậm trễ việc học do mắc bệnh. Lo lắng ảnh hưởng đến kỳ thi đại học sắp tới, lại biết mẹ San là bác sĩ nông thôn, các bạn cùng phòng đều tin tưởng San nên không từ chối.
Vũ nói dối các bạn rằng San đã cho mình uống thuốc từ sáng. Khi mở bình, mùi hăng nồng đáng sợ tỏa ra, nhưng vì tin tưởng bạn, các cô gái cố chịu đựng uống cốc thuốc được pha loãng với nước, sau đó San cũng tự mình uống.
Vũ vừa an ủi các bạn rằng thuốc tốt nên có vị đắng, vừa cho họ uống nước và ăn hoa quả... Vũ không rời khỏi ký túc xá mà ngủ với bảy thi thể suốt đêm cho đến sáng sớm hôm sau.
Minh xác nhận từng có quan hệ tình cảm với San và mới chia tay không lâu. Cảnh sát cũng tìm được bằng chứng quan trọng là lá thư tuyệt mệnh của San dưới gầm giường trong ký túc xá. Trong thư, San viết về tình yêu dành cho bạn trai, nỗi tiếc nuối chuyện tình của hai người, đồng thời bày tỏ có lỗi với người thân, bạn bè và biểu đạt ý định tự tử. Giám định chữ viết cho thấy thư thực sự do San viết.
Do các bên liên quan đều là trẻ vị thành niên, vụ án có nhiều chi tiết không được công bố, như nội dung đầy đủ của thư tuyệt mệnh.
Trên tòa, Vũ thay đổi lời khai nhiều lần, lúc nói chỉ giúp mua thuốc trừ sâu, lúc nói San lừa mình mua hộ thuốc trừ sâu cho bạn phá thai. Sau đó, Vũ lại nói không biết thuốc trừ sâu có độc.
Về vấn đề này, thẩm phán phản bác: "Án mạng xảy ra tại một trường trọng điểm, hàng năm hầu như tất cả học sinh đều được nhận vào đại học. Những học sinh giỏi như vậy sao có thể ngay cả kiến thức cơ bản như uống thuốc trừ sâu sẽ gây chết người cũng không biết?".
Ngày 28/7/1999, tòa án cho rằng Vũ biết rõ mình mua thuốc trừ sâu kịch độc nhưng vẫn giúp San lừa gạt các bạn uống, cấu thành tội cố ý giết người. Dù San là chủ mưu, Vũ cũng là người chứng kiến và tham gia vào tội ác, là đồng phạm trong vụ án này.
San đã chết, tòa không dựa vào lời nói một phía của Vũ để xác định San là thủ phạm chính. Thẩm phán cho biết việc kết án dựa trên nhiều bằng chứng như báo cáo khám nghiệm tử thi, lời khai của bạn trai San và chủ cửa hàng thuốc trừ sâu, thư tuyệt mệnh của San và hồ sơ điều tra hiện trường.
Theo thẩm phán, dù Vũ khăng khăng một lời khai, hay không ngừng thay đổi lời khai, hay một mực giữ im lặng, đều không ảnh hưởng đến phán quyết. "Vụ án của Vũ cho thấy cô ta giỏi diễn xuất, nhưng chúng tôi không bị vẻ bề ngoài đánh lừa. Đáng tiếc là cuối cùng cô ta vẫn không nói ra sự thật".
Vì là vị thành niên, Vũ bị kết án tù chung thân, phải bồi thường cho người nhà mỗi nạn nhân 250.000 nhân dân tệ, tổng cộng là 1,5 triệu nhân dân tệ.
Từ năm 1998 đến 2000, Vũ nhiều lần kháng cáo vì cho rằng bản án quá nặng, tuy nhiên đều bị tòa bác đơn. Gia đình Vũ cũng kháng cáo trên tòa dân sự vì số tiền bồi thường quá lớn.
Ngày 9/11/2000, tòa ra phán quyết: bồi thường gia đình các nạn nhân 330.000 nhân dân tệ; trong đó, trường học và quản lý ký túc xá phải chịu 25% do thất trách, San là chủ mưu nên gia đình San phải chịu 40%, còn lại 35% do gia đình Vũ chịu trách nhiệm.
Mẹ Vũ không tin con giết bạn, bởi theo bà 8 nữ sinh phòng 113 có mối quan hệ rất thân thiết. Bà thường đến trường thăm con mỗi cuối tuần, lần nào cũng mang theo thức ăn và đồ dùng cho cả phòng.
Bà cho biết Vũ là con một, từ nhỏ luôn cô độc, nhưng từ khi đi học, mỗi khi về nhà Vũ thường kể rất hòa hợp với các bạn trong ký túc xá, còn khoe rằng ngoài bố mẹ, những người bạn cùng phòng này đối xử tốt và gần gũi với cô nhất.
Năm 2013, Vũ được trả tự do sau 15 năm thụ án vì cải tạo tốt.
Tuệ Anh (Theo Sina, 163)
Xem thêm: lmth.7273864-ax-cut-yk-gnuc-hnis-un-yab-cod-uad-na-yk/ten.sserpxenv