Từ trải nghiệm tạo tác tranh sơn mài khắc…
Trong không gian đậm dấu ấn văn hóa Việt, không ít người dân của xứ sở hoa anh đào đã “phải lòng” những bức tranh sơn mài khắc độc đáo.
Vừa đưa tay chỉ vào bức “Ngũ hổ” dát vàng dát bạc, họa sĩ Lương Minh Hòa vừa giới thiệu: “Đây vốn là bức tranh thờ dân gian đặc trưng trên giấy dó, song được ‘tái tạo’ bằng chất liệu sơn mài với những nét khắc nổi tinh xảo”.
Từ vẻ đẹp rực rỡ của tranh Hàng Trống nguyên bản, khi “đi” vào sơn mài, “Ngũ hổ” sở hữu bố cục chặt chẽ hơn, các gam màu trầm song nhiều sắc độ hơn. Không đơn giản là một kỹ thuật làm tranh, sơn mài khắc của Latoa Indochine là hình thức nghệ thuật sáng tạo đầy tinh tế và độc đáo, dựa trên cả hai phương pháp sơn mài và sơn khắc, phản ánh một phần tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bằng cách này, tranh dân gian được nâng lên một tầm cao mới, là sự kết hợp của giá trị truyền thống và hơi thở đương đại. Những bức sơn mài khắc đã để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng Nhật Bản và bạn bè quốc tế.
Các vị khách say sưa tìm hiểu về nghệ thuật Sơn mài khắc của Việt Nam (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
“Tham dự sự kiện lần này, tôi mang theo hơn 10 bức tranh sơn mài khắc, trong đó nổi bật là tác phẩm ‘Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản’ để làm quà tặng đối ngoại. Bức tranh bao gồm biểu tượng kiến trúc tiêu biểu của hai nước là Khuê Văn Các và Tháp Chureito, cùng hai loại quốc hoa là sen và anh đào. Trong khi đó, bức tranh ‘Thương cảng Hội An’ tái hiện lại khung cảnh những ngày đầu giao thương giữa hai nước, làm nổi bật hình ảnh Chùa Cầu mang dấu ấn kiến trúc Nhật Bản”, hoạ sĩ Lương Minh Hoà chia sẻ.
Khách trải nghiệm thực hành sơn mài khắc trên con dấu. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
Để phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm làm sơn mài, họa sĩ Hòa còn mang theo nhiều vật dụng đặc trưng liên quan như con dấu với các hình ảnh dân gian dùng để “triện” lên tranh, trâm cài đầu sơn mài…
Sau 20 phút làm tranh sơn mài khắc dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, chị Kaori Puret Nakajima - một người dân Nhật, tỏ ra rất thích thú. Sử dụng những chất liệu và dụng cụ chuyên dụng, chị hiểu được quy trình làm nên một bức tranh trên chất liệu gỗ truyền thống của Việt Nam.
…Đến thưởng thức trà Việt tại xứ sở “trà đạo”
Bên cạnh sơn mài khắc, “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023” cũng giới thiệu nhiều nét đẹp văn hóa khác như trà Việt, cổ phục, tò he, tranh Đông Hồ, phở Thìn (Hà Nội), …
Công chúng Nhật Bản yêu thích trải nghiệm mặc cổ phục Việt - trang phục truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
Những chiếc tò he mang vẻ đẹp dân gian truyền thống của Việt Nam hút du khách. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
Phở Thìn bờ Hồ - món ngon gia truyền nổi tiếng của Việt Nam cũng được giới thiệu tới công chúng Nhật Bản. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
Trong đó, hoạt động trình diễn trà Việt mang đến trải nghiệm mới mẻ,thu hút sự quan tâm của công chúng Nhật Bản. Tại đây, khách tham dự được thưởng thức trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, vốn được mệnh danh là “Tứ Đại Danh Trà” trên đỉnh núi Suối Giàng (Yên Bái) - một trong những vùng đất thủy tổ của Trà trên thế giới.
Trà Shan tuyết được thu hoạch trên những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nên rất quý. |
Đưa chén trà có màu vàng xanh tươi mát cùng hương trà toả ngát cho khách nếm thử, nghệ nhân Đào Đức Hiếu tự hào bày tỏ: “Nhật Bản có trà đạo với các quy chuẩn, nguyên tắc chính xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết, thì Việt Nam cũng tự hào với nghi lễ và văn hóa uống trà độc đáo. Chúng tôi quan niệm trà là hơi thở, là nếp nhà, là sức sống, là giá trị truyền thống và bản sắc của người Việt”.
“Khi đến Nhật Bản, chúng tôi tự tin giới thiệu trà shan tuyết cổ thụ quý hiếm bởi không phải đất nước nào trên thế giới cũng có những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi như vậy. Người Nhật luôn ngưỡng mộ và trân trọng trước mỗi cây Trà mà Việt Nam đang có. Việc đưa trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đến với Nhật Bản ngoài ý nghĩa giao lưu văn hóa, còn là sự tri ân khi người Nhật đã từng hỗ trợ cho vùng đất Suối Giàng để bảo tồn những cây chè quý hiếm” - nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu nhấn mạnh.
Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu đang giới thiệu tới người dân Nhật Bản loại trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng quý hiếm. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam) |
Ngay trên đất Nhật, công chúng đã được đánh thức cả 5 giác quan, thưởng thức 1 chén trà ngon với cả 6 yếu tố từ nước trà, lá trà, cách pha trà, ấm trà, âm thanh và cả không gian. Đặc biệt, người dân Nhật Bản và Việt Kiều sở tại đều đã được chiêm ngưỡng kỹ pháp pha trà và thưởng thức những phẩm trà tiêu chuẩn quốc tế, đạt thẩm mĩ nghệ thuật cao từ bao bì cho tới nhãn mác mang đậm bản sắc Việt Nam, từ đó hiểu hơn, yêu hơn văn hóa Việt Nam.
Với nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Việt, "Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023" không chỉ là cơ hội để những giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam lan tỏa tại Nhật Bản mà còn là bước đi đầy sáng tạo để kết nối, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Từ việc giới thiệu Phở Thìn - món ngon ẩm thực Việt cho tới việc mang tới cho công chúng những trải nghiệm tuyệt vời như triển lãm ảnh, nặn tò he, vẽ tranh Đông Hồ, làm sơn mài khắc, "Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023" đã đưa công chúng vào một hành trình đẹp và thú vị qua văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.