Theo ông Marchenko, Ukraine có nguy cơ sụp đổ kinh tế vào năm 2024 trừ khi các nước phương Tây viện trợ và bù đắp lỗ hổng lớn trong ngân sách của nước này.
Từ Kiev, ông Marchenko nói với Trang Politico rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ “rất, rất đau thương - không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn bộ châu Âu”.
Viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine sẽ hết vào tháng 1- 2024. Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết gói hỗ trợ trị giá 50 tỉ euro trong 4 năm tới, nhưng Hungary và Slovakia phản đối việc tài trợ thêm cho Kiev với lý do lo ngại tham nhũng.
Về nguyên tắc, tất cả 27 quốc gia thành viên EU cần phải đồng ý về gói viện trợ của EU - vốn gắn liền với yêu cầu tăng ngân sách của khối.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi hiện nay Quốc hội Mỹ phản đối việc chuyển thêm viện trợ cho Ukraine, như đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Marchenko cảnh báo những rắc rối của Ukraine sẽ nhanh chóng lan sang phần còn lại của EU, thông qua các kênh di cư và lạm phát, đặc biệt là về giá lương thực và năng lượng.
Được biết, EU và Mỹ là những nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ năm 2022.
Trong số khoảng 43 tỉ USD nhu cầu tài trợ bên ngoài, các cam kết của Anh, Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước khác dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 10 tỉ USD. Cộng thêm nỗ lực của Kiev có thể thêm 4 tỉ USD nữa. Như vậy, khoản thiếu hụt sẽ là 29 tỉ USD trong năm 2024.
Quốc hội Ukraina sẽ bỏ phiếu về vấn đề ngân sách quốc gia năm 2024 vào ngày 7-12.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine sẽ tăng 2% trong năm 2023.
Kể từ khi xung đột với Nga, nền kinh tế nước này suy giảm 30% vào năm 2022. Nhưng Ukraine vẫn tiếp tục dựa vào các đồng minh để trang trải chi phí ngân sách, một nửa của nhu cầu viện trợ - 43 tỉ USD - liên quan đến cuộc xung đột.
Đề xuất ngân sách phức tạp của đảng Cộng hòa gồm làm hai phần nhằm tránh để Chính phủ Mỹ đóng cửa, vừa câu giờ cho việc đàm phán viện trợ cho Israel và Ukraine.