Số ca nhiễm tại Đan Mạch hiện tại đã tăng gấp 3 lần kể từ tháng 10, với 541 ca mắc ghi nhận vào tuần trước.
Theo Công ty phân tích dữ liệu Airfinity, Pháp cũng đang phải vật lộn với tình trạng bùng dịch viêm phổi ở trẻ em.
Hà Lan ghi nhận số ca nhiễm tăng 124% so với mức đỉnh năm 2022. Ireland ghi nhận ít ca nhiễm hơn. Nước này báo cáo 15 ca viêm phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên, tăng 14 trường hợp so với năm 2022.
Cùng lúc đó Trung Quốc ghi nhận nhiều cụm bệnh về đường hô hấp ở trẻ em, khiến nhiều bệnh viện quá tải.
Đợt bùng phát chủ yếu xảy ra ở thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc và các khu vực khác của Trung Quốc.
Ngày 22-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng gia tăng số ca bệnh và các cụm bệnh viêm phổi ở trẻ em.
Theo WHO, Trung Quốc đã cung cấp dữ liệu mà tổ chức này yêu cầu, đồng thời chưa phát hiện mầm bệnh mới nào.
Dữ liệu cho thấy sự gia tăng các cụm bệnh đường hô hấp liên quan đến việc dỡ bỏ hạn chế phòng COVID-19, cùng với sự lây lan của các mầm bệnh đã biết.
Theo báo Telegraph, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan và một số quốc gia châu Á, bao gồm Ấn Độ, Nepal, Thái Lan đã tăng cường giám sát và yêu cầu nhân viên y tế cảnh giác với các ca viêm phổi.
Bệnh viêm phổi này lây lan qua các tiếp xúc với giọt bắn từ mũi và họng người bệnh, và phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn.
Hầu hết các trường hợp đều được chữa trị hiệu quả bằng kháng sinh và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh cũng là một vấn đề gây nhiều lo ngại.
Tại châu Á, tỉ lệ kháng kháng sinh macrolide - một loại kháng sinh trị viêm phổi - lên đến 90%.
Tại Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ mắc Mycoplasma chiếm 30-40% bệnh nhân viêm phổi. Bệnh do vi khuẩn này nếu không phát hiện và điều trị đúng sẽ gây biến chứng nguy hiểm và có thể lây lan ra cộng đồng.