Hơn 65.000 chủ trọ ký cam kết
Theo EVNHCMC, hiện nay đơn vị đã cùng khoảng 65.300 chủ nhà trọ ký cam kết đảm bảo cấp định mức sử dụng điện theo đúng giá điện bậc thang cho sinh viên, người lao động thuê nhà.
Cụ thể, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc EVNHCMC - chia sẻ có một điểm thuận lợi trong suốt quá trình triển khai, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều đơn vị chức năng trong việc triển khai tuyên truyền, kiểm tra và xử lý vi phạm kịp thời góp phần đảm bảo cho người thuê nhà được sử dụng điện đúng giá quy định. Bên cạnh đó nhiều chủ trọ cũng đồng thuận, hưởng ứng, chia sẻ việc này.
Nhờ vậy hàng triệu người lao động, sinh viên xa nhà lên TP.HCM học tập, mưu sinh đã được sử dụng điện giá ưu đãi nhất. Qua đó ngành điện cũng chia sẻ phần nào với sự vất vả, khó khăn của bà con. Xa hơn là giúp TP.HCM trở thành một điểm thu hút người dân đến tìm cơ hội việc làm, thay đổi cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhìn nhận trên thực tế vẫn còn tồn tại một số chủ nhà trọ chưa nhận thức đúng chủ trương quy định về giá bán lẻ điện của Nhà nước cho người ở trọ. Từ đó dẫn đến việc thu tiền điện của người ở trọ với mức giá cao hơn quy định.
"Dễ thấy nhất là nhiều trường hợp chủ nhà trọ gộp nhiều loại phí sinh hoạt như tiền sử dụng Internet, tiền sử dụng truyền hình cáp, tiền nước, chi phí sinh hoạt chung, tiền rác... vào chung với tiền điện khiến người thuê trọ phải trả tiền hằng tháng rất cao.
Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền thêm để mọi người lao động, sinh viên đều được sử dụng điện đúng giá", ông Kiên cam kết.
Phạt 20 - 30 triệu đồng nếu thu tiền người lao động, sinh viên sai
Đại diện EVNHCMC cho biết theo quy định, trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (những người cùng thuê nhà không phải một hộ gia đình) thì được tính tiền điện như sau:
Nếu có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với ngành điện.
Nếu thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh (2.167 đồng/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Trong trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì định mức cho chủ nhà căn cứ vào chứng từ xác nhận tạm trú.
Cụ thể, cứ bốn người được tính định mức là một hộ sử dụng điện. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên điện lực để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình chứng từ đăng ký tạm trú để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.
Trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế thì bên bán điện có quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng.
Nếu chủ nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Đăng ký định mức cho người lao động, sinh viên ra sao?
Để được hướng dẫn về việc áp dụng định mức sử dụng điện sinh hoạt hoặc đăng ký mua điện đúng giá sinh hoạt bậc thang, người thuê nhà và chủ nhà trọ có thể liên hệ đến tổng đài 1900.54.54.54, website chăm sóc khách hàng https://cskh.evnhcmc.vn/, ứng dụng chăm sóc khách hàng CSKH EVNHCMC trên thiết bị di động, email: cskh@hcmpc.com.vn, trang fanpage "Tổng công ty Điện lực TP.HCM" và kênh Zalo.
Khi phát hiện các trường hợp chủ nhà trọ tính tiền điện giá cao, người thuê có thể thông báo cho ngành điện qua các kênh tương tác nêu trên để ngành điện kịp thời kiểm tra, phối hợp xử lý theo quy định.
TT - Ngày 11-7, bạn đọc gửi hơn 400 câu hỏi, ý kiến đến buổi giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online thắc mắc xung quanh thủ tục đăng ký định mức điện, nước. Trong đó, nhiều người ở trọ cho biết họ vẫn bị tính tiền điện, nước giá cao.