Người dân TP.HCM đã rất quen với hình ảnh các lãnh đạo TP "tả xung hữu đột", sự tích cực của các sở ngành và địa phương trong TP về giải ngân đầu tư công. Càng đến những ngày cuối năm, tinh thần ấy càng được nâng cao, đốc thúc. Như chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với Tuổi Trẻ là "rất sốt ruột".
Sự sốt ruột ấy được người dân TP cảm nhận mỗi ngày, mỗi tuần trong các cuộc họp, thị sát, yêu cầu của lãnh đạo và cán bộ TP.
Và đã có những kết quả tích cực khi dù chưa hết cuộc thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công nhưng đã có tám quận huyện nhận được thư khen của chủ tịch UBND TP khi đạt và vượt 80% chỉ tiêu giải ngân.
Có thể nói tinh thần thi đua, sự "sốt ruột" giải ngân đầu tư công đã lan tỏa rộng khắp. Phản hồi sau những bản tin trên Tuổi Trẻ, bạn đọc đều đánh giá cao tinh thần ấy của lãnh đạo và cán bộ TP.
Tuy nhiên, thật tiếc vẫn có điều làm bạn đọc ngỡ ngàng, chưa thể hài lòng sau phát biểu về tỉ lệ giải ngân thấp của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai tại Hội nghị Thành ủy vừa qua.
Dù đến cuối tháng 11, tỉ lệ giải ngân mới đạt 45,2% nhưng giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư không đưa ra đánh giá về tỉ lệ rất thấp này mà so sánh số vốn (con số tuyệt đối) đã giải ngân gấp đôi năm 2022, đứng thứ ba cả nước.
Không thể phủ nhận đây là nỗ lực lớn, tuy nhiên nếu bỏ qua việc phân tích đầy đủ nguyên nhân tỉ lệ giải ngân chỉ mới 45,2%, dù đã kết thúc tháng 11, thì tinh thần "sốt ruột" mà lãnh đạo TP đang đốc thúc có lẽ đã không đến được đầy đủ với giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Như đánh giá của nhiều bạn đọc, không thể lấy con số tuyệt đối năm trước để nói rằng năm nay làm tốt hơn. Bởi mức độ hoàn thành tỉ lệ giải ngân mới là đích đến.
Điều này cũng được khẳng định xuyên suốt trong tinh thần mà lãnh đạo TP truyền đạt với yêu cầu tỉ lệ ít nhất 80% ở cuộc thi đua 60 ngày đêm đang diễn ra. Không "sốt ruột" đánh giá đầy đủ về tỉ lệ giải ngân chỉ mới non nửa sau 11 tháng thì sẽ khó lòng chạm đích.
Hơn ai hết, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư hiểu rõ chỉ tiêu giải ngân đầu tư công hằng năm dựa trên cơ sở về nhu cầu địa phương và yêu cầu của trung ương.
Trong đó, vai trò và trách nhiệm quan trọng nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu, thẩm định để vận hành dòng vốn.
Tỉ lệ giải ngân chỉ mới đạt phân nửa chỉ tiêu hiện nay không chỉ phản ánh sự khó khăn, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong giải ngân mà có trách nhiệm hàng đầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Và như vậy, người đứng đầu sở này càng phải phân tích đầy đủ hơn nữa.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công vào cuối tháng 10, bí thư Thành ủy cho rằng đây không phải là cuộc kiểm điểm song phải nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh.
Và có lẽ sự mong chờ nhất của người dân không chỉ là con số tuyệt đối 100% mà sự "sốt ruột", "nhìn thẳng vào sự thật", "không né tránh" cũng là một đích đến, làm nền tảng vững chắc để thực hiện chỉ tiêu kế tiếp.
Năm 2023, TP.HCM phải giải ngân 68.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, gấp đôi năm 2022, để kích nền kinh tế kèm nhiệm vụ rất quan trọng: xài cho hết tiền.
Nếu "cố lên, cố lên nữa" để có thêm chục nghìn tỉ đồng lan tỏa vào nền kinh tế, khi đó thêm nhiều doanh nghiệp tăng doanh thu, thêm nhiều người lao động có thu nhập, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, sau nữa là những công trình hoàn thành đúng hạn. Không sốt ruột, tiền vẫn nằm kho, doanh nghiệp và người dân sao có thêm tiền chi xài...!
Mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay là cực kỳ khó khăn khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2023, trong khi số vốn cần giải ngân lên tới gần 250.000 tỉ đồng.