Theo báo New York Times (NYT), các tên lửa của Israel không bị bắn trúng nhưng rocket của Hamas đã khiến căn cứ Sdot Micha bị cháy, trong khi nơi này chứa nhiều tên lửa và vũ khí nhạy cảm khác.
Israel chưa bao giờ thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù vậy, các quan chức Mỹ và các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh đều nhất trí rằng nước này sở hữu một lượng nhỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Hans Kristensen - nhà phân tích thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chuyên theo dõi về năng lực hạt nhân Mỹ, Nga và Trung Quốc - nói với NYT rằng ông ước tính rất có thể căn cứ Sdot Micha có từ 25 - 50 bệ phóng tên lửa Jericho có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Kristensen, những đầu đạn hạt nhân này rất có thể được giữ ở một vị trí riêng biệt cách xa căn cứ, do đó không bị đe dọa khi Hamas tấn công.
Căn cứ Sdot Micha tồn tại từ năm 1962 và có thể nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh vệ tinh công cộng. Mặc dù rocket do Hamas bắn ở Dải Gaza có thể không chính xác nhưng khó có khả năng Sdot Micha bị nhắm trúng một cách tình cờ.
Hầu như không có mục tiêu nào khác - ngoài các cơ sở quân sự nhạy cảm - trong vòng hai dặm quanh địa điểm va chạm của tên lửa. Ngoài ra còn có rất ít mục tiêu quan trọng hay phi quân sự trong toàn bộ khu vực vì dân số thưa thớt.
Cuộc tấn công vào Sdot Micha là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc Hamas pháo kích vào một địa điểm nghi chứa vũ khí hạt nhân của Israel. Không rõ Hamas có biết chi tiết về những gì bên trong Sdot Micha hay không, hay chỉ biết đơn giản đây là một căn cứ quân sự.
Tuy nhiên việc nhắm mục tiêu vào một trong những địa điểm quân sự nhạy cảm nhất ở Israel cho thấy phạm vi của cuộc tấn công ngày 7-10 có thể lớn hơn những gì công chúng đã biết. Hơn nữa, rocket của Hamas có thể xâm nhập không phận xung quanh vũ khí hạt nhân chiến lược được bảo vệ chặt chẽ của Israel.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Israel đã xây dựng đê và rào chắn mới xung quanh Sdot Micha, nơi gần vị trí va chạm của tên lửa. NYT dự đoán có lẽ Israel muốn bảo vệ căn cứ khỏi các mảnh đạn hoặc mảnh vụn nổ từ các cuộc tấn công trong tương lai.
Theo cơ sở dữ liệu theo dõi các cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Đại học Maryland (Mỹ), trước đây chỉ có khoảng 5 cuộc tấn công được biết đến trên toàn thế giới nhằm vào các căn cứ có vũ khí hạt nhân. Nhưng vì tính bí mật vốn có của vũ khí hạt nhân nên con số chính xác có thể không bao giờ được công bố rộng rãi.
Israel công khai chiến dịch ám sát toàn bộ thủ lĩnh Hamas, nhưng việc này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài bất ổn ở Trung Đông.