Thay vì Alibaba, Trung Quốc đang chứng kiến một nhà vô địch mua sắm trực tuyến mới: PDD. Đây chính công ty đứng sau ứng dụng bán lẻ Temu, hiện là nền tảng thương mại điện tử giá trị nhất cả nước.
Sau khi tăng 78% trong năm nay, định giá PDD hiện đạt gần 190 tỷ USD, tức vượt qua cả tập đoàn Alibaba. Doanh thu quý III cũng tăng 94% so với một năm trước đó trong khi Alibaba chỉ tăng 9%. Theo S&P Global Market Intelligence, mức tăng trưởng chóng mặt khiến giá cổ phiếu PDD hưởng lợi.
Jack Ma đã có lời chúc mừng gửi tới PDD trước thành tích mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “kỷ nguyên của thương mại điện tử trí tuệ nhân tạo (AI) mới chỉ bắt đầu”.
“Tôi tin chắc Alibaba sẽ thay đổi. Hãy trở về với sứ mệnh và tầm nhìn vốn có. Nhân viên Alibaba hãy tiến lên”, nhà sáng lập Alibaba viết dù không thể phủ nhận một thực tế rằng ở quê nhà, ứng dụng Pinduoduo của PDD vượt trội hơn hẳn.
Vào thời điểm mà người tiêu dùng Trung Quốc nhạy cảm hơn về giá, danh tiếng Pinduoduo - nền tảng bán hàng giá phải chăng – sau nhiều năm nỗ lực đã nhận trái ngọt nhờ phát triển thành công mạng lưới các nhà sản xuất nhắm vào những người mua có thu nhập tầm thấp và trung. Điều này khác biệt hoàn toàn so với Taobao của Alibaba - nền tảng từ lâu ít tập trung vào việc xây dựng mạng lưới nhà cung cấp.
Morgan Stanley ước tính tổng giá trị hàng hóa nội địa của PDD đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 5% của tổng doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến ở Trung Quốc. Temu, hoạt động kinh doanh quốc tế của PDD, dĩ nhiên cũng đang phát triển vượt trội.
Theo công cụ theo dõi dữ liệu Sensor Tower, Temu hiện có 52 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ chỉ sau một năm ra mắt. Công ty không cung cấp nhiều thông tin về tình hình kinh doanh, song Goldman Sachs ước tính GMV của Temu trong quý trước đạt 6,5 tỷ USD, cao gấp đôi so với quý trước. Ngân hàng này cũng cho rằng Temu chiếm khoảng 28% doanh thu của PDD trong quý III.
Theo ông Abe Yousef, nhà phân tích cao cấp tại Sensor Tower, trong quý IV/2022, số lượt cài đặt Temu thậm chí còn vượt qua cả Amazon, Walmart và Target. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này trái ngược hoàn toàn với triển vọng mờ mịt mà các nhà bán lẻ khác phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Nền tảng này không chỉ cạnh tranh với Shein mà cả với những gã khổng lồ lớn của Mỹ như Amazon, Target. Sự phổ biến ngày càng lớn đã cho thấy tiềm năng của các mô hình kinh doanh sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc.
“Temu đặt mục tiêu tiếp tục thử nghiệm về tiếp thị và cung cấp dịch vụ, nhờ vào công ty mẹ giàu có. Nó ra mắt vào đúng thời điểm thích hợp, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và bất ổn kinh tế”, bà Deborah Weinswig, CEO của Coresight Research, nói.
Dẫu vậy, Temu vẫn có rủi ro thua lỗ do biên lợi nhuận hoạt động của PDD trong quý trước đã giảm xuống 24% từ mức 29%. Bản thân nền tảng cũng đang chấp nhận mất trung bình 30 USD (hơn 700 nghìn đồng) trên mỗi đơn hàng vì cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ.
Theo công ty tài chính China Merchants Securities, Temu, hoạt động tại thị trường Canada, Australia và New Zealand, đang lỗ từ 4,15 tỷ RMB đến 6,73 tỷ RMB (588 triệu đến 954 triệu USD) mỗi năm (khoảng 24 tỷ đồng). Nhiều thương hiệu nhỏ lẻ bị gây áp lực giảm giá bán đến cùng cực. “Chúng tôi đang làm việc không công cho Temu để Temu có thể thu hút nhiều khách hàng Mỹ hơn”, một người bán tên Sandy phàn nàn về chính sách giảm giá đến ‘cùng cực’ của Temu.
Được biết, sau khi được thành lập vào năm 2015, PDD thua lỗ rất nhiều do theo đuổi chiến lược tăng trưởng, tung ra rất nhiều khuyến mại và chi mạnh tay cho marketing quảng cáo. Mãi đến khi đạt quy mô lớn hơn, công ty này mới có lãi vào năm 2021.
Theo các chuyên gia, kết quả hoạt động mạnh mẽ chủ yếu do tâm lý người tiêu dùng phục hồi. Nhu cầu mua sắm vốn bị kìm hãm do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã được “giải phóng” sau khi lệnh phong tỏa được tháo dỡ.
Bên cạnh đó, các chiến dịch khuyến mại thành công đã thúc đẩy mức tăng trưởng vượt bậc. Lợi nhuận Pinduoduo được nâng lên do các khoản chi phí như đầu tư và dự án giảm.
Tuy nhiên, thành công ở quê nhà không có nghĩa là PDD không phải đối mặt với những thách thức. Thói quen tiêu dùng ở các quốc gia có thể không giống với Trung Quốc. Chi phí vận hành như giao hàng và tiếp thị cũng cao hơn ở các nền kinh tế phát triển.
Hơn nữa, theo Sensor Tower, tốc độ tăng trưởng của Temu ở Mỹ thời gian gần đây đang chững lại. Lượng người dùng hoạt động hàng tháng trong quý này đã giảm 6% dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu còn mạnh mẽ.
Theo đại diện Temu, mục tiêu dài hạn của công ty là người Mỹ mua hàng khoảng 30 lần mỗi năm trên nền tảng; mỗi đơn trị giá 50 USD. Như vậy, mỗi người dùng chi trung bình 1.500 USD/năm. Dữ liệu từ Zhanglian, cơ quan truyền thông đưa tin về ngành công nghiệp chuỗi cung ứng và vận chuyển Trung Quốc, cho biết giao dịch trung bình trên Temu là khoảng 25 USD.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu trên khó trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh Temu vẫn đang nỗ lực giành sức hút trước Amazon. Khách hàng của Temu ở Mỹ chủ yếu là người châu Á với thu nhập hộ gia đình hàng năm dưới 30.000 USD.
Theo: WSJ, The Wired