Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Trung Quốc đứng đầu đã tái tạo dòng chảy từ Cao nguyên Tây Tạng - nơi được mệnh danh là "Tháp nước châu Á" - trong thiên niên kỷ qua. Sau khi so sánh mực nước với các sự kiện lịch sử, họ dự đoán biến đổi khí hậu gây ra 'rủi ro chưa từng có' cho Đông Nam Á, SCMP đưa tin ngày 5/12.
Khi các vương quốc cổ đại ở Đông Nam Á trỗi dậy và sụp đổ trong suốt 1.000 năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thăng trầm lịch sử đó có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn cung cấp nước đến từ vùng núi Tây Tạng.
Nhưng giờ đây, khi biến đổi khí hậu làm tăng tốc độ tan chảy của sông băng trên cao nguyên Tây Tạng, tác động lên khu vực đông dân cư ở Đông Nam Á có thể lớn hơn bất cứ điều gì từng thấy trong thiên niên kỷ qua, nhóm nghiên cứu do Trung Quốc dẫn đầu cảnh báo.
Bằng cách tái tạo dữ liệu dòng chảy sông trong 1.000 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa dòng nước và thảm thực vật mùa khô của vùng Đông Nam Á lục địa. Điều này cho thấy "tầm quan trọng của "Tháp nước châu Á" đối với chức năng và năng suất của các hệ sinh thái và xã hội ở Đông Nam Á".
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, từ các viện nghiên cứu ở Argentina, Anh, Chile, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đức, Thụy Sĩ và Mỹ, cho biết các quốc gia khu vực này cần tăng cường hợp tác để cải thiện chiến lược bảo tồn nước và duy trì tài nguyên nước của mình.
"Tác động cực đoan của dòng chảy trùng hợp với những thay đổi rõ rệt về dân cư địa phương xảy ra trong thời Trung cổ, bao gồm cả sự chiếm đóng và sự sụp đổ sau đó của Angkor Wat từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16" - Nhóm nghiên cứu viết trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học tự nhiên Nature Geoscience mới đây.
"Dự đoán của chúng tôi cho thấy những thay đổi về dòng chảy trong tương lai sẽ đạt hoặc thậm chí vượt quá phạm vi lịch sử vào cuối thế kỷ này, gây ra những rủi ro chưa từng có cho Đông Nam Á" - các nhà nghiên cứu cho biết.
Sở dĩ, cao nguyên Tây Tạng được mệnh danh là "Tháp nước châu Á" vì các dòng sông được cấp nước từ sông băng chảy từ cao nguyên này là nguồn cung cấp nước chính cho phần lớn Nam và Đông Nam Á. Nguồn cung cấp nước đó rất quan trọng để mang lại lương thực cho những khu vực đó - từ trồng lúa đến thu hoạch cá.
Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tái tạo lại dòng chảy của các con sông Mê Kông, Salween và Yarlung Tsangpo từ năm 1000 cho đến năm 2018.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tái tạo dòng chảy của những con sông cụ thể này rất quan trọng vì khu vực đông dân nhất thế giới nằm ở hạ lưu của ba tuyến đường thủy này.
Hưng thịnh và suy tàn của các nền văn minh cổ gắn với dòng sông
Mê Kông là con sông dài nhất Đông Nam Á, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sông Salween chảy từ Trung Quốc đến Myanmar và Thái Lan, trong khi sông Yarlung Tsangpo (thượng nguồn của sông Brahmaputra) chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Nhóm nghiên cứu cho biết từ những năm 1050 đến những năm 1190, tốc độ dòng chảy tăng mạnh song song với sự tăng trưởng kinh tế xã hội và văn hóa nhanh chóng trong khu vực.
Điều này bao gồm sự trỗi dậy của triều đại Bagan - triều đại đầu tiên trong lịch sử Myanmar đã xây dựng nền tảng văn hóa của mình và sự thống nhất đất nước này có liên quan từ những năm 1050 đến những năm 1070.
Nó cũng trùng hợp với sự trỗi dậy của đế chế Khmer ở Campuchia ngày nay và việc xây dựng quần thể đền Angkor Wat từ những năm 1110 đến những năm 1150, cũng như cuộc chinh phục Champa vào giữa thế kỷ 12.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học quốc tế, dòng chảy giảm dần từ đầu thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ 15 chứng kiến "sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài và một số thách thức lớn đối với hệ thống kinh tế xã hội, chính trị và văn hóa của Đông Nam Á".
Ví dụ, giữa năm 1280 và 1340, nguồn cung cấp nước thấp trùng hợp với một cuộc khủng hoảng lớn trong triều đại Bagan bao gồm cuộc xâm lược của người Mông Cổ năm 1287. Các tác giả cho biết: "Cuộc khủng hoảng này được đặc trưng bởi sự xáo trộn về kinh tế, bất ổn chính trị và sự chia rẽ của Myanmar".
Nghiên cứu cho thấy thời kỳ dòng chảy kiệt kéo dài nhất trong 1.000 năm qua, từ năm 1360 đến năm 1500, cũng chứng kiến sự sụp đổ của đế chế Khmer và sự bỏ hoang dần dần của Angkor Wat.
Tiểu kết
Các tác giả cho biết: "Mặc dù các quốc gia thịnh vượng có khả năng thích ứng tốt hơn với các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhưng ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bất lợi lâu dài có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các quốc gia kém phát triển và các hiện tượng cực đoan về thủy văn có thể gây ra những thay đổi xã hội dần dần ở quy mô lớn".
"Các sông băng tan chảy là nguồn cung cấp nước quan trọng cho các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng, sản lượng nước có thể tăng lên, thậm chí đạt mức cao như thời Trung cổ" - Nghiên cứu cho biết.
Điều đó có thể dẫn đến nhiều thiên tai hơn liên quan đến lũ lụt do tuyết tan. Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng sự gia tăng lượng nước "có thể sẽ không bù đắp được cho sự tăng trưởng nhanh chóng về dân số ở Đông Nam Á, điều đó có nghĩa là vấn đề khan hiếm nước có thể sẽ tiếp tục xảy ra.
Chen Feng, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Đại học Vân Nam (Trung Quốc) kết luận: "Khi Trái đất ấm lên, cần có sự hợp tác quốc tế để cùng nhau quản lý việc gia tăng và phân bổ tài nguyên nước".
Nguồn: SCMP