Từng đứng lớp dạy bậc thạc sĩ tại Trường đại học Nha Trang
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Xuân Phương - trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường đại học Nha Trang - xác nhận ông Nguyễn Trường Hải từng dạy lớp cao học tại trường này.
"Ông Nguyễn Trường Hải tự giới thiệu là trước đó đã dạy ở Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, rồi chuyển sang làm trưởng khoa công nghệ thông tin Trường cao đẳng Công Thương Việt Nam. Ông Hải còn bảo quê ở Nha Trang nên thường ra Nha Trang thăm gia đình, nếu trường/khoa có chuyên đề nào liên quan Big Data hay Blockchain thì mời ông tham gia giảng dạy.
Vì vậy khoa công nghệ thông tin có mời ông Hải đến chia sẻ cho học viên cao học chủ đề về Blockchain vào ngày 29-10-2023. Ngoài ra ông Hải có chia sẻ thêm một buổi online với học viên quan tâm. Sau đó, không thấy học viên có phản ánh gì về giảng viên này.
Khi khoa đề nghị ông Hải gửi bằng tiến sĩ và lý lịch khoa học để làm hợp đồng thanh toán thù lao thì ông Hải chậm trễ, do đó nhà trường chưa làm hợp đồng với ông Hải. Ông cũng không đứng tên dạy cho bất kỳ lớp nào của trường", ông Phương cho hay.
Cũng theo ông Đặng Xuân Phương, để làm hợp đồng giảng dạy tại trường, giảng viên phải cung cấp cả bằng cấp và lý lịch khoa học.
Việc ông Nguyễn Trường Hải đứng lớp dạy xem như là giảng thử. Nhà trường chưa chi trả thù lao cho giảng viên này.
Trả lời câu hỏi khi mời giảng viên dạy thử, nhà trường có kiểm tra lý lịch khoa học hay đánh giá gì không, ông Phương cho biết: "Theo phân cấp quản lý, việc đánh giá và quản lý chuyên môn giảng viên là của khoa công nghệ thông tin. Phòng đào tạo sau đại học chỉ quản lý học vụ và hỗ trợ. Thật sự ai cũng tưởng ông Nguyễn Trường Hải đi dạy nhiều nơi là người thật việc thật và tôn trọng giảng viên nên chủ quan, không kiểm tra hồ sơ người này ngay từ đầu".
Nộp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm khi dạy tại Trường đại học Tôn Đức Thắng
Đại diện Trường đại học Tôn Đức Thắng cũng xác nhận qua xác minh của khoa công nghệ thông tin, ông Nguyễn Trường Hải có tham gia thỉnh giảng tại trường này.
"Việc mời ông Hải thỉnh giảng diễn ra vào học kỳ phụ (học kỳ 3) của năm học 2021-2022 và chỉ kéo dài một tháng rưỡi. Khi đó ông Hải chủ động liên hệ với bộ môn công nghệ phần mềm thuộc khoa công nghệ thông tin để ngỏ lời có nguyện vọng tham gia thỉnh giảng tại bộ môn", đại diện nhà trường cho biết.
Theo nhà trường, sau khi xem xét hồ sơ của ông Hải, nhận thấy phù hợp theo quy định mời giảng viên thỉnh giảng, nên bộ môn đã mời. Ông Hải đã cung cấp hồ sơ cá nhân theo quy trình, thủ tục mời thỉnh giảng. Cụ thể: bản sao (có công chứng) bằng thạc sĩ tin học có công chứng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, căn cước công dân; lý lịch khoa học có xác nhận của địa phương.
"Trên cơ sở đó, bộ môn và khoa đã thống nhất với ông Hải về việc mời giảng. Dù có cung cấp bằng thạc sĩ nhưng do mới hợp tác lần đầu nên bộ môn không bố trí lớp lý thuyết, mà chỉ mời ông Hải hướng dẫn 2 nhóm thực hành (30 tiết/nhóm).
Tài liệu giảng dạy môn học được khoa cung cấp để ông Hải triển khai cho sinh viên. Ông Hải chỉ được giao đánh giá 1 cột điểm quá trình (chiếm tỉ trọng 20% trong môn học), các cột điểm khác và đánh giá môn học đều do giảng viên cơ hữu khác thực hiện", vị này thông tin thêm.
Sau khi kết thúc học kỳ, bộ môn không tiếp tục mời ông Hải thỉnh giảng ở các học kỳ sau do khoa có các ứng viên khác phù hợp hơn.
Trong quá trình giảng dạy, ông Hải thực hiện nghiêm túc các quy định của khoa, trường và không ghi nhận các thông tin phản ánh của sinh viên về việc giảng dạy của ông Hải.
Hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ cho 15 sinh viên, học viên?
Theo lý lịch khoa học ông Nguyễn Trường Hải tự khai, ông đã hướng dẫn tổng cộng 15 sinh viên, học viên cao học trong thời gian từ năm 2017-2022. Tuy nhiên, ông Hải không ghi rõ các sinh viên, học viên được ông hướng dẫn này học trường nào.
Đáng chú ý, ông Hải cho biết đã hướng dẫn cho một học viên cao học làm luận văn thạc sĩ với đề tài "Nghiên cứu các phương pháp phân lớp đối tượng trên ảnh dựa trên Multiple Instance Learning".
Các trường ít chú ý đến xác thực bằng cấp
Cũng theo lý lịch khoa học, ông Nguyễn Trường Hải khai là "giảng viên thỉnh giảng Đại học Sư phạm kỹ thuật và Đại học Sài Gòn từ 2016-nay (năm 2022)". Đồng thời cho biết đã tham gia nghiên cứu công trình khoa học "Nghiên cứu các kỹ thuật phân tích và giám sát đám đông trong video" (26-1-2020) đề tài cấp Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với vai trò tác giả.
Theo phản ánh, trên thực tế ông Nguyễn Trường Hải đã giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và được nhà trường cấp thẻ giảng viên thỉnh giảng (có mã số).
Trong thời gian giảng dạy tại trường này, ông Hải tham gia nhiều hoạt động phong trào, thể thao do nhà trường tổ chức.
Để làm rõ những thông tin trên, sáng 29-11, phóng viên đã gửi nhiều câu hỏi đến phòng truyền thông Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết: "Với giảng viên thỉnh giảng thường do các khoa lo, các trường ít chú ý đến xác thực bằng cấp. Sau mỗi học kỳ, sinh viên sẽ đánh giá đối với chất lượng giảng dạy của người thỉnh giảng. Nếu người dạy trình độ yếu thì không ký tiếp hợp đồng. Chỉ khi ký hợp đồng chính thức, các đơn vị tuyển dụng mới xác thực văn bằng hồ sơ…".
Ông Nguyễn Trường Hải - người từng là giảng viên ở nhiều trường đại học, cao đẳng, sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả - đã lấy lý lịch khoa học của người khác “xào nấu” rồi ghi tên mình vào.