Chiều 5.12, Tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị Q.Tân Bình tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận với chủ đề thực trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục.
Bà Trần Diệu Thảo, ở khu phố 3, P.6, Q.Tân Bình chia sẻ bản thân biết dự án cụm 3 trường học trên địa bàn phường đã nhiều năm nhưng tới nay chưa thực hiện. Trong khi đó, khu đất xây trường bị bỏ hoang dẫn đến rác chất đống, cây cối mọc um tùm, dễ phát sinh dịch bệnh. Là phụ huynh có 3 con nhỏ, bà Thảo mong muốn con mình có môi trường khang trang, rộng rãi để học tập.
Ông Cao Chu Giảng, ở khu phố 8, P.6, cho biết gia đình ông canh tác khoảnh đất rộng 830 m2 ở vườn rau Lộc Hưng. Khi nhà nước có chủ trương xây trường học và hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 thì ông Giảng là một trong các hộ đăng ký nhận đầu tiên.
Sau đó, thành phố tăng mức hỗ trợ lên hơn 11 triệu đồng/m2. Sáng nay, ông Giảng ra phường làm hồ sơ nhận hỗ trợ bổ sung. "Chúng tôi mong nhận được câu trả lời bao giờ khởi công xây dựng trường học, và khi nào hoàn thành để các cháu có trường học", ông Giảng hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết cụm 3 trường học sẽ khởi công ngày 12.12.2023 và đưa vào sử dụng ngày 30.4.2025.
Ông Thành nhìn nhận quận vẫn còn thiếu cơ sở giáo dục, các lớp học chưa đạt chuẩn. Trước tình hình trên, địa phương đề xuất và được thành phố quan tâm, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa trường lớp cũ.
Riêng năm 2023, TP.HCM bố trí khoảng 670 tỉ đồng cho quận, riêng vốn đầu tư cho giáo dục hơn 550 tỉ đồng, trong đó có 3 trường công lập trên khu đất công cộng ở P.6.
Thông tin thêm về dự án này, ông Thành cho biết ngoài xây dựng 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, quận còn xây thêm công viên, mảng xanh rộng 1 ha và cải tạo, mở rộng 2 tuyến đường Chấn Hưng và Hưng Hóa.
"Công viên không chỉ giúp cha mẹ học sinh có điều kiện đón các cháu thuận tiện, an toàn hơn mà còn có thêm không gian cho người dân xung quanh vui chơi, tập thể dục", ông Thành nói.
40 hộ dân nhận hỗ trợ trong ngày 5.12
Chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát nhà đất công đang cho thuê có mục đích sử dụng đất giáo dục, đề xuất thành phố bố trí vốn xây dựng trường học. Song song đó, địa phương triển khai các dự án giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập, tiến tới năm 2025 có trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Hà, Bí thư Quận ủy Tân Bình cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì phải rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục. Đồng thời, phát huy đầu tư công các dự án giáo dục mang tính đòn bẩy, hạt nhân, cải tạo cơ sở vật chất trường lớp đang có.
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng phải tạo cơ chế, điều kiện để mọi thành phần tham gia đầu tư, trở thành mạng lưới vệ tinh của giáo dục quốc dân, góp phần đa dạng và nâng cao chất lượng giáo dục.
Về việc hỗ trợ người dân canh tác, Chủ tịch Q.Tân Bình thông tin tại thời điểm năm 2019 có 45 trường hợp đồng thuận và nhận tạm ứng. Tuy nhiên, người dân còn có nhiều ý kiến, gửi đơn thư kiến nghị thành phố và trung ương nâng mức hỗ trợ, xác nhận việc trồng rau.
Sau đó, Q.Tân Bình ghi nhận ý kiến, tiếp công dân và đề xuất nâng mức hỗ trợ. Đến nay, TP.HCM đồng ý hỗ trợ hơn 11 triệu đồng/m2. Từ ngày 11.11, địa phương niêm yết phương án hỗ trợ. Đến nay, có 106 trường hợp nhận dự thảo phương án, 9 trường hợp chưa đồng ý nhận và 8 trường hợp khác đang tiếp tục xác minh.
Trong ngày 5.12, Q.Tân Bình bắt đầu chi hỗ trợ, dự kiến có 40 trường hợp nhận hỗ trợ trong ngày, qua ngày 6.12 có thêm 28 trường hợp.
Trước đó, HĐND TP.HCM đã bố trí vốn 1.157 tỉ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ 573 tỉ đồng và chi phí xây lắp là 584 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cùng lúc 3 trường học (trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng P.6, Q.Tân Bình.