vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 2: Hạnh phúc ngắn ngủi

2023-12-05 19:43

Ông khựng lại khi thấy tôi, nghe tôi nói xong ông thở phào. Tối đó, ông đãi tôi một chai rượu thật ngon. Lúc chén tạc chén thù, ông bảo: - Ta có đứa con gái rất ngoan tên là Manamari (trong hồi ký phát hành năm 2003 thì tên của người này được gọi là Annamari), nó đang dạy tiếng Anh tại Ấn Độ. Ta sẽ nói vợ ta gả nó cho con làm vợ. Theo phong tục của Ấn thì con sẽ được hưởng một phần hồi môn đủ để vợ chồng, con cháu sống thanh thản suốt đời!

Tôi nghe mà không hề cảm thấy vui mừng bởi hiện tại tôi cũng là một công tử con của "khạo" (ông chủ giàu có), vật chất không thiếu, còn tình cảm thì... tôi đang có các cô bồ. Ba tháng sau, ông đưa tôi đi Nam Vang. Về đến căn nhà đồ sộ của ông, tôi thấy rộn rịp toàn người là người. Ông âu yếm bảo tôi: - Ngày mai sẽ làm đám cưới con với con gái của ta!

Tôi hơi bất ngờ, chợt nghĩ đến vợ và 3 con (vợ là Lê Thị Ngân, SN 1906, mất năm 1983; có 2 con trai Lưu Khỏe, Lưu Kiếm và con gái là Lưu Thị Hằng) đang sống cực khổ ở quê nhà. Nhưng làm sao giãi bày đây? Đám cưới tổ chức thật linh đình. Món cà ri dê bốc mùi ngào ngạt, khách đến dự toàn những ông bà bệ vệ sang trọng. Cô dâu đeo nhiều đồ trang sức và che kín mặt, đứng khép nép cạnh tôi. Một người, hình như là ông mai đến trước chúng tôi nói một tràng. Bà mẹ vợ tiếp tràng thứ hai, tôi chẳng hiểu gì cả. Sau đó, cô dâu vào phòng hợp hôn trước, ông già vợ dắt tôi vào sau. Tôi ngớ người trước sự lộng lẫy của căn phòng. Bao nhiêu thứ màn, ren đủ màu sắc phủ tha thướt quanh một tấm nệm dày để sát đất. Đã từng cưới vợ ở Việt Nam nên tôi không mấy bỡ ngỡ. Tôi thong thả cởi áo, cô dâu chưa tháo mạng che mặt đứng xớ rớ một góc.

Cụ Lưu Công Danh lúc đã ngoài trăm tuổi

Tôi nhìn cô ta gật đầu cười (vì tôi chẳng biết tiếng Ấn hay tiếng Anh để nói chuyện). Cô ta đến gần, phác cử chỉ muốn giúp tôi cởi áo. Tôi khoát tay ý bảo không cần... Cô dâu chưng hửng, chựng lại và không còn dám lại gần tôi nữa. Tôi cũng chẳng có lý do gì để xáp lại gần cô. Vậy là hai người ngồi 2 đầu giường cúi đầu im lặng. Một lát sau Manamari đi ra ngoài bưng vào một mâm thức ăn bốc khói. Cô ra hiệu mời tôi và khép nép ngồi một bên. Tôi bốc thức ăn cho vào miệng... Có lẽ tôi làm gì đó thất thố nên cô thở dài. Cô hầu tôi ăn uống suốt 3 ngày theo tục lệ rồi không bước vào phòng hợp hôn nữa! Mấy người bạn làm kiểm lâm của tôi từ Pat-tam-poong lên chia vui và đòi coi mặt vợ tôi, song cô ấy không chịu ra, dù tôi có vào ra dấu năn nỉ đến mỏi cả tay!

Bạn tôi tỏ ra thông cảm nhưng tôi rất tự ái. Tôi bỏ về Pat-tam-poong mà không cần từ biệt vị hôn thê mà đến lúc đó tôi cũng chưa được nhìn rõ mặt! Mấy hôm sau, ông già vợ tôi cho dọn nguyên phòng tân hôn về Pat-tam-poong dựng lại. Sau đó, ông cho gọi tôi vào, vợ tôi cũng ngồi đó. Cha vợ tôi cho rằng chúng tôi chưa hiểu nhau nên nắm tay tôi đến đặt vào tay Manamari, sau đó ông bỏ ra ngoài. Vợ tôi đã bỏ voan che mặt, tôi say mê nhìn cô và tự trách mình đã cư xử dở! Chúng tôi đã có những ngày thật hạnh phúc, nhất là khi vợ tôi sanh con trai đầu lòng. Manamari dạy cho tôi nói tiếng Hin-đu, ngôn ngữ phổ thông của Ấn Độ...

Sau khi gã con gái cho Lưu Công Danh, ông Ba-ra-him đã làm thủ tục cho Danh nhập quốc tịch Ấn Độ với tên Ba-ra-him Hát-ha-cốp, theo vợ về định cư tại Ấn Độ. Do to con, da ngăm, nói tiếng Hin-đu sõi, hiểu phong tục Ấn và được ông cha vợ dạy cho cách hóa trang nên không ai nhận ra Hát-ha-cốp là người Việt Nam. Thương con rể nên ông Ba-ra-him giao cho con gái một xe hơi, dặn đưa anh đi khắp đất nước Ấn Độ để thăm thú. Ông giao cho con gái tấm danh thiếp đặc biệt của ông, dặn rằng đến bất cứ đâu, nếu thiếu tiền cứ đưa ra sẽ được thanh toán như ngân phiếu (bởi ông là nhà tư bản rất có danh vọng ở Ấn Độ thời đó). Nghe giải thích như vậy, Hát-ha-cốp hỏi vợ: - Gia đình ta thuộc lớp thượng đẳng của Ấn Độ sao?

Vợ anh lắc đầu bảo: - Chưa đâu! Anh có nhìn thấy một đàn voi, tùy tong và cờ phướn rầm rộ phía trước không? Giai cấp thượng đẳng của Ấn Độ ra đường là phải bề thế như vậy. Mọi người và cả chúng ta phải tránh đường cho quý ngài ấy đi trước!

Một hôm chị vợ đưa Hát-ha-cốp đi ngang một nhà hàng rất đẹp, rất sang trọng. Anh đòi ghé lại ăn trưa, chị vợ kiên quyết không chịu, anh thắc mắc: - Ở đó tính rất đắt hay sao?

- Không chỉ có vậy mà... rất nguy hiểm!

Thói tò mò đã kích thích Hát-ha-cốp, anh buộc vợ phải dừng xe, nắm tay vợ lôi vào. Chị vợ bất đắc dĩ phải đạp thắng nhưng khư khư ôm tay lái không chịu xuống xe. Hát-ha-cốp một mình ung dung đẩy cửa nhà hàng bước vào. Anh gọi một ly rượu. Một bồi bàn bước đến nhìn anh chằm chằm lộ vẻ kinh hãi, dù vẫn rót rượu cho anh. Hát-ha-cốp vừa ực cạn ly rượu thì một đám thanh niên Ăng-lê từ bàn bên kia trợn mắt, hầm hầm kéo sang. Chúng quát tháo om sòm bằng tiếng Anh, buộc người bồi bàn dịch lại cho anh nghe: - Đây không phải là chỗ dành cho bọn mọi rợ như mày! Cút ngay!

Ảnh minh họa về thời kỳ Ấn Độ là thuộc địa của Anh

Bây giờ thì Hát-ha-cốp mới hiểu chữ "nguy hiểm" mà vợ anh ta đã nói. Ấn Độ đang là thuộc địa của Anh, kẻ thống trị khinh miệt người bản xứ! Hát-ha-cốp mới kịp nghĩ đến đó thì đám Ăng-lê xông vào đánh anh túi bụi! Vừa tức vừa đau, anh gầm lên đánh trả dữ dội. Bốn năm thằng hiếu chiến nhất đã nằm bò ra sàn, mặt mũi sưng vều, tóe máu. Bọn còn lại vừa chửi, vừa chạy lui. Anh cũng chạy vội ra xe, vợ anh im lặng nhấn ga đưa anh gấp rút về nhà. ông Ba-ra-him đã được nghe thông báo về sự cố trên, với thái độ rất căng thẳng, ông hối anh thu xếp hành lý rồi cho người đưa anh đến một ngôi chùa trốn. Sau khi lính Anh đến bao vây, lục soát nhà ông Ba-ra-him không có kết quả, chúng liền ra lệnh truy nã anh khắp nơi. Đó là nguyên nhân để Hát-ha-cốp (Lưu Công Danh) phải bỏ trốn rồi đi tu trong rừng sâu núi thẳm hơn 10 năm cho đến ngày thành "Phật". Nhưng trong hồi ký chúng tôi đã giới thiệu từ kỳ 1, chi tiết này được kể lại (từ cuối chương 5, đầu chương 6) như sau:

"Chuyến tàu khách của hãng Messagerie Maritime từ bến cảng Nhà Rồng đưa cả gia đình vợ tôi và tôi đi Ấn Độ. Vừa đặt chân đến Sài Gòn và đến cảng Nhà Rồng để xuống tàu đi Ấn Độ, tôi ứa nước mắt và thấy lòng đau nhói khi nhìn quanh ở đâu cũng có lính Pháp. Tôi muốn ở lại, nhưng giờ đây tôi đang mang quốc tịch Ấn Độ, tôi đã có vợ... Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, gia đình tôi đã về đến Niu Đê-li. Ở đây, họ hàng bên vợ tôi có mấy ngôi biệt thự. Họ hàng dành một ngôi đẹp nhất cho gia đình tôi ở. Sau khi giới thiệu tôi với họ hàng, cha mẹ vợ đưa vợ chồng tôi đi du ngoạn một số nơi ở Ấn Độ, rồi làm mấy cuộc lễ để xin thần phật ban phước lành cho vợ chồng tôi. Tôi ngồi cạnh An-na Ma-ri, chắp tay, quì nghe mấy vị cao tăng đọc kinh và liếc nhìn nàng, vẫn gương mặt lạnh như tiền. Tôi hiểu, nàng chỉ làm cho cha mẹ vui, chứ trong lòng nàng không có niềm tin và chẳng có tình yêu với tôi. Tôi nuốt đắng cay đang trào dâng lên cổ và tự trách mình vì sao lúc ở bến Nhà Rồng, đã có một phút do dự mà không quyết định để khỏi mang nỗi tủi nhục bị một người con gái khinh thường như thế này?

Ở Niu Đê-li vài tháng, tôi nghe người ta tuyển người đi Tây Phương tu Phật. Đã tuyển được 2 người, chỉ cần thêm 1 người nữa là làm lễ tiễn đi. Tôi quyết định đi tu. Vì ở nhà sống cảnh chồng vợ như thế này mà phải ngậm đắng nuốt cay, không hé răng cho gia đình vợ biết, thì có khác nào tôi tự tra tấn mình! Tôi đã nói với một vị sãi cả là tôi xin đi Tây Phương.

Chuyện tưởng như giản đơn là đi tu để giải thoát cho mình, không ngờ chuyển sang một tình thế khác. Một hồi chiêng trống được cất lên tưởng chừng như không dứt để báo tin vui cho phật tử khắp vùng biết có người sẽ đi tu Phật. Mọi người ùa đến, vây kín lấy tôi và kính cẩn cúi chào, nét mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ. Có người quì xuống chân tôi và cúi hôn. Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi nhìn lên, thấy cha vợ tôi dắt tay An-na Ma-ri, lách đám đông, tiến thẳng về phía tôi một cách khó khăn. Ma-ri tới, nàng chắp tay xá tôi như xá một người đắc đạo. Gương mặt ngày thường lạnh tanh của nàng biến đâu mất, mà quì trước tôi là một An-na Ma-ri ngoan ngoãn, thành kính với nét mặt đầy xúc động. Mặt tôi nóng bừng, trào dâng niềm cảm xúc mới mẻ.

... Đến khuya, mọi người tản ra dần và đi nghỉ hết. An-na Ma-ri vẫn quì trước mặt tôi, hai tay thành kính chắp trước ngực, đầu cúi, mắt khép hờ như chờ đợi tôi có điều gì sai bảo. Tôi đứng lên lặng lẽ đi về phòng. Bỗng An-na Ma-ri khẽ đẩy cửa, bước vào phòng tôi. Sau hơn một năm thành chồng vợ, đây là lần đầu tiên nàng chủ động bước vào phòng tôi. An-na Ma-ri đến với tôi bằng tất cả sự nồng cháy, yêu thương của một người vợ, một người yêu. Nét lạnh lùng ngày thường biến mất.

Nhưng hạnh phúc và cuộc sống chồng vợ của tôi và Ma-ri thật ngắn ngủi, tôi đã phải đi tu Phật. Một tháng bên nhau nồng mặn yêu thương, An-na Ma-ri đã mang giọt máu của tôi. Trong khi tôi đang len lỏi đi trong rừng già Ấn Độ, đói khát, hiểm nguy rình rập dọc đường, thì Ma-ri sinh hạ cho tôi một đứa con trai, đặt tên là Xô-Chim. Đó là mùa xuân năm 1935, tôi đã được làm cha mà không hề hay biết...".

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Từ cuộc đời lang bạt hải hồ
(CATP) Tác giả bài viết đã được ở lại nhà trong 2 ngày 1 đêm để nghe cụ kể lại một câu chuyện dài với những chi tiết lạ lùng như thần thoại! Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của chiến sĩ cách mạng Lưu Công Danh, Chuyên đề Công an TPHCM kính mời độc giả đón xem loạt bài về cuộc đời vị "Phật sống" rất đặc biệt này!
 
LẠI VĂN LONG

Xem thêm: lmth.341651_iugn-nagn-cuhp-hnah-2-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 2: Hạnh phúc ngắn ngủi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools