Liên tục rót vốn đầu tư sản xuất lốp xe
Guizhou Tyre, nhà sản xuất của thương hiệu Advance và Samson của Trung Quốc, tiếp tục rót vốn mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này triển khai hệ thống phân phối, tổ chức các kênh bán hàng với đại lý khá rầm rộ tại TP.HCM trong vào dịp cuối năm.
Theo tìm hiểu, Guizhou Tyre xây dựng nhà máy tại Tiền Giang, tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD.
Đây là doanh nghiệp sản xuất với hai thương hiệu là Advance, Samson, chuyên cung cấp lốp cho thị trường ô tô tải, xe buýt, lốp xe phục vụ cho trang thiết bị nông nghiệp, công nghiệp, hàng không...
Năm 2023, doanh nghiệp đã tung ra thị trường 1,2 triệu bộ lốp xe. Sang năm 2024, Guizhou Tyre tiếp tục gia tăng thêm dải sản phẩm. Sản xuất 100.000 bộ lốp xe công nghiệp bố thép và 50.000 bộ lốp xe cho thiết bị nông nghiệp.
Một doanh nghiệp khác thuộc top 10 về ngành lốp xe tại Trung Quốc rót vốn 500 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất tại Bình Phước.
Dự án nhà máy sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam với quy mô 43ha, tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản).
Nhà máy sản xuất hai nhóm sản phẩm (gồm lốp radial bán thép và lốp radial toàn thép) cho xe ô tô và các loại xe khác, công suất 14,4 triệu bộ.
Dự án sẽ khởi công, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị cho hệ thống dây chuyền sản xuất vào quý 1-2024. Năm 2025 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 120.000 tấn cao su/năm. Trong đó, khoảng 80% nguyên liệu tại Việt Nam, 20% còn lại được nhập từ Trung Quốc.
Nhiều thương hiệu lốp xe "ngoại"
Áp lực cạnh tranh trong ngành này cũng đang dần tăng lên do sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc)…
Trong đó, các đơn vị sản xuất lốp xe chủ lực của Việt Nam như Công ty Cao su Đà Nẵng và Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam đang cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp FDI.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Thanh - tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Nam Thịnh, chuyên phân phối lốp xe Samson - cho biết lốp xe Bridgestone, Kumho Tire, Michelin, Caosumia đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra còn phải kể đến sự xuất hiện của các sản phẩm săm lốp giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Mỗi lốp xe cho xe tải, xe chuyên dùng giá dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu. Giá rẻ, mẫu mã ngày càng đa dạng, theo ông Thanh, kinh doanh lốp xe tại Việt Nam vẫn là "miếng bánh thơm" sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia phân phối, tiêu thụ.
Một doanh nghiệp sản xuất lốp xe nội địa cho rằng giá các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn 15 - 20% so với sản phẩm khác trên thị trường dù chất lượng, mẫu mã không quá chênh lệch. "Sự gia tăng cạnh tranh từ săm lốp Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá bán, khiến các doanh nghiệp ngành săm lốp Việt Nam gặp khó" - vị này nhìn nhận.
Bridgestone Việt Nam, thương hiệu lốp xe quy mô toàn cầu, vừa tiết lộ sẽ chuyển sang 100% năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất, tung ra sản phẩm mới thân thiện với môi trường.