Theo Hãng tin Reuters ngày 6-12, Vương quốc Anh vừa công bố 46 lệnh trừng phạt mới nhắm vào những cá nhân, tổ chức trên thế giới có liên quan về mặt quân sự với Nga.
Các cá nhân, tổ chức có tên trong loạt trừng phạt đến từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Uzbekistan.
Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường sức ép lên [Tổng thống Nga Vladimir] Putin và trừng phạt những bên thứ ba cung cấp hàng hóa và công nghệ bị cấm vận khỏi Nga, dù họ có ở đâu".
Theo Bộ Ngoại giao Anh, London sẽ trừng phạt 31 người và tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu linh kiện điện tử và việc thiết kế, sản xuất các máy bay không người lái (drone) hoặc bộ phận tên lửa cho Nga.
Bốn tổ chức đến từ UAE mua bán dầu với Nga và một số tổ chức khác có làm ăn với tập đoàn đánh thuê Wagner cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Ngoài ra, một doanh nghiệp quốc phòng của Belarus cũng bị London nêu tên. Doanh nghiệp này bị tố sản xuất công nghệ quân sự được Minsk sử dụng để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Matxcơva.
Cùng ngày, Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết đã ban hành cảnh báo đến các ngân hàng, tổ chức tài chính dưới quyền quản lý của Chính phủ Anh về việc Nga đang tìm cách mua những hàng hóa bị cấm vận qua những nước trung gian.
"Các lệnh trừng phạt Nga sau khi nước này tấn công Ukraine đã có tác động to lớn đến khả năng mua bán hàng hóa bao gồm trang thiết bị quân sự của Nga trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhằm lách những biện pháp kiểm soát này, Nga đang dùng một chuỗi cung ứng phức tạp và những nguồn hàng thay thế để sở hữu những mặt hàng bị cấm", NCA khẳng định.
Vương quốc Anh là một trong những đồng minh lớn nhất của Ukraine trong cuộc xung đột quân sự giữa Kiev và Matxcơva.
Từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hôm 24-2-2022, Chính phủ Anh đã áp lệnh trừng phạt lên 1.600 cá nhân và 250 tổ chức bị nghi có liên quan đến Nga trên toàn thế giới.
TTO - Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề và ngày càng bị phương Tây cô lập, Nga đã phải nỗ lực giữ cho các nhà máy cũng như doanh nghiệp hoạt động và ngăn chặn nền kinh tế quay lại thời kỳ Liên Xô cũ.