Theo Phó thủ tướng, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc giúp Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, xây dựng các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Có tiêu chí phân loại nhóm dự án
Mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian trong hoạt động, nên cần phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng. Các ý kiến phải cụ thể, khả thi, đến được ngay cấp có thẩm quyền.
"Chúng ta cần xây dựng tiêu chí xác định chương trình, công trình, dự án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giải quyết; lập danh mục công trình, dự án kèm theo tiến độ, vướng mắc, kế hoạch để theo dõi, đôn đốc, trong đó phân loại nhóm đang triển khai theo tiến độ, kế hoạch, nhóm gặp khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ dứt điểm", Phó thủ tướng nói.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã báo cáo về tình hình triển khai một số chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.
Các ý kiến cũng đồng tình phải có tiêu chí xác định những công trình, dự án thực sự là trọng điểm, có tầm quan trọng bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, toàn diện của hệ thống năng lượng quốc gia.
"Danh mục công trình, dự án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nên có tính mở, có vào, có ra, để kịp thời giám sát, chỉ đạo, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh", Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị không phân biệt công trình, dự án theo quy mô, do Nhà nước hay tư nhân đầu tư, mà căn cứ vào tầm quan trọng đối với hệ thống năng lượng quốc gia.
"Có những dự án đang triển khai tốt, đã xử lý xong khó khăn, vướng mắc có thể đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát, đôn đốc. Đồng thời đưa vào danh mục những dự án mới, cấp bách đang phát sinh vướng mắc", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Nhấn mạnh lĩnh vực năng lượng là "huyết mạch", là hạ tầng quan trọng, cơ bản của nền kinh tế, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện quy chế hoạt động.
Trong đó làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tham mưu giải pháp triển khai hiệu quả các quy hoạch, chiến lược, chương trình về năng lượng.
Diện theo dõi sẽ "có vào, có ra" để đốc thúc hiệu quả
Theo ông Hà, các dự án, công trình, chương trình năng lượng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, kế hoạch về năng lượng quốc gia có lộ trình, tiến độ, kế hoạch triển khai cụ thể; không phân biệt công hay tư; bao gồm các dự án đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư, mở rộng phạm vi đầu tư…
Các dự án này có thể phân thành luồng xanh (không có khó khăn, vướng mắc, đúng tiến độ); luồng vàng (có một số khó khăn, vướng mắc, sau khi tháo gỡ sẽ chuyển sang luồng xanh); luồng đỏ (là các dự án cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp mạnh, quyết liệt).
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, ông yêu cầu chủ đầu tư có thể đề xuất lên Ban Chỉ đạo những dự án, công trình không có trong danh mục. Hoặc đó có thể là những công trình, dự án thí điểm, như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời áp mái… đang cần sự phối hợp liên ngành, liên địa phương, phối hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách mới.
Vì vậy, ông Hà giao Bộ Công Thương thiết lập ngay cơ sở dữ liệu về danh mục các công trình, dự án, chương trình trọng điểm (kế hoạch thực hiện, tiến độ triển khai, khó khăn đang gặp phải) để thành viên Ban Chỉ đạo có thể theo dõi, cập nhật liên tục.
Việt Nam sẽ tăng tỉ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) lên 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Không chỉ vậy, ngoài điện sạch còn có các dạng năng lượng mới như hydro, amoniac xanh để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.