Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương vừa phẫu thuật bắt con cho chị N.T.K.O. (27 tuổi). Bé "mèo vàng" sinh ra nặng 6.080 gam. Đây cũng là bé sơ sinh chào đời nặng ký tại Bệnh viện Hùng Vương.
Nhiều bé sơ sinh khổng lồ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, chị O. có thai lần đầu năm 2015 nhưng phải sanh mổ vì ngôi ngang.
Lần này, chị O. thấy sức khỏe bình thường nên không đi khám thai thường xuyên dù trong lần khám thai gần nhất, đầu tháng 10-2023, chị O. đã được cảnh báo thai to và có nguy cơ vỡ vết mổ cũ.
Chị O. nhập viện Bệnh viện Hùng Vương vì quá ngày dự sinh. Sau khi thăm khám, tua trực phải khởi động quy trình mổ cấp cứu với chẩn đoán thai 40 tuần 1 ngày, vỡ ối, suy tuần hoàn nhau thai, có nguy cơ vỡ tử cung trên vết mổ cũ do thai to.
Kíp phẫu thuật và kíp gây mê đã tích cực phối hợp để hoàn thành ca mổ với kết quả thật bất ngờ: một bé "mèo trai" nặng tới 6.080 gam.
Trước bé "mèo trai" khổng lồ này, có nhiều bé được sinh ra tại một số tỉnh nặng 6,1 - 7,1kg.
Theo bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, trưởng khối sản Bệnh viện Hùng Vương, tại TP.HCM những trẻ sơ sinh khổng lồ thường sẽ được chuyển sang khoa sơ sinh của các bệnh viện nhi đồng trong TP để theo dõi, chăm sóc với một chế độ đặc biệt vì trẻ dễ bị hạ đường huyết...
Với những trẻ sinh ra có cân nặng quá lớn, sau này dễ có nguy cơ bị bệnh béo phì, tim mạch... Do vậy trong quá trình nuôi trẻ, các bà mẹ cũng cần lưu ý.
Cân nặng trung bình của trẻ gia tăng
Bác sĩ Trang cho biết vào những năm 1960, trẻ chào đời ở Việt Nam có cân nặng 3kg đã được coi là nặng ký. Cân nặng của trẻ lúc sinh đã phát triển theo điều kiện kinh tế - xã hội, sự nhận thức của người phụ nữ và còn có sự hỗ trợ bởi các thành tựu của y học bao gồm các loại sữa, thuốc... giúp sự phát triển của thai nhi tốt hơn.
Như vậy, qua mỗi thập niên, cân nặng trung bình của trẻ khi chào đời gia tăng. Hiện nay, cân nặng trung bình của trẻ mới sinh ra là 3,2 - 3,3kg.
Theo y khoa thế giới, một em bé sinh ra có cân nặng từ 4kg trở lên được gọi là "con to". Ở Việt Nam, những trẻ sinh ra trên 4kg chiếm gần 5% tổng số trẻ được sinh ra.
Trong quá trình quản lý thai, nếu các thai phụ được khám thai nghiêm túc, chất lượng, bác sĩ có thể ước lượng được thai nhi có to hay không và to từ lúc nào.
Nguyên nhân gây ra con to là do rối loạn chuyển hóa của người mẹ trong lúc đang mang thai, mà rối loạn chuyển hóa lớn nhất là người mẹ bị bệnh lý đái tháo đường thai kỳ. Hiện nay đái tháo đường thai kỳ chiếm khoảng 20 - 30% trong các thai phụ.
Khi bị bệnh lý này, thai phụ sẽ ăn nhiều, uống nhiều... khiến đường trong máu của người mẹ cao, đi qua nhau thai được nên làm em bé cũng "bự, phì ra".
Từ năm 2018, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng với Bộ Y tế xây dựng một chiến lược tầm soát phát hiện đái tháo đường trong thai kỳ. Theo chiến lược này, những thai phụ có tuổi thai 24 - 28 tuần sẽ được cho làm xét nghiệm để kiểm tra thai phụ có bị đái tháo đường hay không.
Nếu thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ sẽ được bác sĩ tư vấn về ăn uống, thậm chí cho thuốc... để quản lý tốt mức đường huyết, kiểm soát cân nặng của thai nhi.
Ngoài ra, nguyên nhân sinh con to còn do thai quá ngày hoặc do thai phụ ăn uống quá mức hoặc chính trẻ bị đột biến gene...
"Để giảm nguy cơ đối với mẹ và bé, đặc biệt trong trường hợp người mẹ đang bị đái tháo đường thai kỳ hoặc có các dấu hiệu như tăng cân bất thường, uống nhiều, tiểu nhiều... cần tới bệnh viện chuyên khoa sản để kiểm soát bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai, nhằm có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh được các biến chứng trong thai kỳ và sau sanh" - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, lưu ý.
Thai quá lớn dễ gây vỡ tử cung
Thai quá lớn thường là nguyên nhân gây vỡ tử cung. Đây là một tai biến sản khoa nặng có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, đặc biệt trên tử cung đã có sẹo mổ trước đó.
Ngoài ra, thai to bất thường thường gặp trên những thai phụ bị bệnh đái tháo đường trong thai kỳ, là nguyên nhân gây nhiều biến chứng nặng nề như tiền sản giật, sản giật, sẩy thai, thai lưu, đẻ non…
Những biến chứng này làm tăng tỉ lệ tử vong cho mẹ và thai nhi.
Chỉ trong 10 năm, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ trong độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng gần gấp đôi (8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020).