Theo số liệu cập nhật đến ngày 5/12, 13 nhà leo núi đã thiệt mạng và 10 người khác vẫn còn mất tích ở Indonesia sau vụ phun trào của một ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh ở tỉnh Tây Sumatra.
Theo CNN, nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có khoảng 127 ngọn núi lửa đang hoạt động. Quốc gia này có nhiều núi lửa hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Và núi lửa Marapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia ở thời điểm hiện tại.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video cho thấy cảnh tượng cột tro tàn và khói bốc lên ngùn ngụt ở hiện trường vụ núi lửa phu trào. Nó khiến người ta choáng ngợp vì trông đồ sộ như con "quái vật" khổng lồ choán lấy cả khoảng không rộng lớn.
Ngày 3/12, ngọn núi lửa cao 2.891 mét đã phun trào với những đám tro núi lửa và cột khói khổng lồ hơn 3000m trên không trung tạo ra cảnh tượng kinh hãi, đứng từ xa cũng có thể thấy.
Ông Abdul Malik, người đứng đầu đội tìm kiếm những người gặp nạn trong vụ núi lửa phun trào ở Tây Sumatra, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Các thi thể nạn nhân thiệt mạng sẽ được đưa xuống núi. Ông nói với CNN trước đó rằng một đội gồm 40 nhân viên cứu hộ đã có mặt trên núi để ứng cứu khi các vụ phun trào vẫn đang diễn ra.
Cảnh tượng núi lửa phun trào ở Indonesia.
Ông Malik cho biết 3 nhà leo núi đã được tìm thấy còn sống. Theo thông tin cập nhật sáng 4/12 (theo giờ địa phương), tổng cộng 75 người, bao gồm cả những người leo núi, đã được sơ tán và những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.
Hình ảnh từ hiện trường gần vụ núi lửa phun trào cho thấy ô tô, đường sá và toàn bộ ngôi làng lân cận bị bao phủ trong tro bụi.
Các quan chức theo dõi hoạt động của núi lửa Marapi đã nói với CNN về những nguy cơ tiềm ẩn từ vụ phun trào hôm 3/12, bao gồm cả dung nham nóng chảy có thể lan tới các con đường và các con sông gần đó.
Marapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra và vụ phun trào nguy hiểm nhất của nó là vào tháng 4/1979, khiến 60 người thiệt mạng, theo Reuters.
Sau vụ phun trào mới nhất, nhà chức trách đã nâng mức cảnh báo cao thứ 2 và cấm thực hiện mọi hoạt động trong phạm vi 3km quanh miệng núi lửa Marapi.
Ông Ada Setiawan, một quan chức của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), nói với Reuters rằng khẩu trang đã được phân phát cho người dân và khuyến khích họ ở trong nhà. Các quan chức cho biết các tuyến đường leo núi và đường mòn cũng đã bị đóng cửa.
Nguồn: CNN