Sáng 7.12, kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận tại hội trường, lãnh đạo các sở ngành giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết, cách đây 3 năm, huyện tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư 23 dự án, có hơn 30 nhà đầu tư đăng ký nhưng vướng quy hoạch nên không thể triển khai.
Đơn cử như 100 ha bãi rác Đông Thạnh đã đóng cửa, nước rỉ rác ngấm xuống đất ảnh hưởng đến hạ nguồn, nhiều vườn cây ăn trái ở xã Nhị Bình có biểu hiện sinh trưởng không tốt.
Theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, quy hoạch có tốt thì các địa phương mới có cơ sở mời gọi đầu tư, giải quyết các nhu cầu của người dân. "Thành phố phải làm quy hoạch sớm để phân cấp, phân quyền về cho cơ sở", ông Khuyên đề nghị.
Hồi tháng 9.2020, H.Hóc Môn kêu gọi đầu tư 23 dự án đô thị, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn, khu du lịch sinh thái, nhà vườn, nông nghiệp công nghệ cao, công viên cây xanh, thể dục thể thao… Các khu đất được kêu gọi đầu tư hầu hết là đất nông nghiệp nhưng không còn hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cũng chia sẻ 2 năm qua, huyện không đạt chỉ tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là số vụ tai nạn và số người chết. Lý do, việc xây dựng các công trình giao thông phía tây bắc rất lớn, lượng phương tiện giao thông đông.
Đại biểu này kiến nghị thành phố quan tâm phát triển giao thông Q.12, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn và H.Củ Chi bên cạnh việc đầu tư Vành đai 3 đang triển khai, bởi việc đầu tư này không chỉ cho các huyện mà còn tăng cường kết nối giao thông liên vùng.
Đối với H.Hóc Môn, ông Trần Văn Khuyên đề xuất sớm mở rộng, nâng cấp các tuyến đường: song hành Phan Văn Hớn, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Dương Công Khi, đường Đỗ Văn Dậy và đường Bùi Công Trừng. "Tai nạn ở đây khá nhiều, chủ yếu là các em học sinh. Đường quá nhỏ, phương tiện giao thông quá lớn, chỉ cần lên lên, xuống lề một cái là tai nạn giao thông xảy ra", ông Khuyên nói thêm.
Trong phần thảo luận tổ chiều qua (6.12), bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT, cho biết có những tuyến đường hẻm rất nhỏ, tuyến hẻm không thông, hẻm cụt cũng quy hoạch rộng 15 - 30 m, nhưng 15 - 20 năm không thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Do đó, đại biểu này đề xuất rà soát công tác quy hoạch toàn thành phố để đánh giá xem quy hoạch nào trên 20 năm chưa thực hiện, không khả thi để điều chỉnh. "Khi tiếp xúc cử tri cứ nghe hoài chuyện này. Cử tri đặt vấn đề là khi nào làm và làm như thế nào chứ không thể nghe đại biểu cứ hứa, đề xuất mà không biết đề xuất với ai, bao giờ làm", bà Thanh nói.
Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận tính khả thi không cao trong các đồ án từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bố trí chức năng chưa phù hợp đã ảnh hưởng quyền lợi người dân.
Các đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, còn chồng lấn ranh; công tác thẩm định, thẩm tra còn yếu. Những hạn chế trên chủ yếu do số lượng quy hoạch phân khu lớn, tồn tại nhiều năm nên còn hạn chế thiếu sót.
Giám đốc Sở QH-KT xin đại biểu HĐND thông cảm, đồng thời cho biết đang tập trung hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Khi có quy hoạch chung, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu. "Chúng tôi sẽ xem xét quy hoạch phân khu cho phù hợp yêu cầu, phân tích rất rõ những nguyên nhân, hạn chế thực tiễn để đưa vào từng kế hoạch chi tiết", ông Nhã nói.
TP.HCM sẽ có nền tảng Lắng nghe mạng xã hội
Liên quan đến chủ đề chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết toàn thành phố đang vận hành 14 nền tảng lớn, trong năm 2023 tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng.
Cụ thể, hệ thống tổng đài 1022 đã kết nối hơn 700 đơn vị/đầu mối chịu trách nhiệm với 18 lĩnh vực được tiếp nhận và xử lý. Nền tảng này giúp thành phố tạo lập dữ liệu các vấn đề người dân quan tâm, phản ánh, các điểm nóng để kịp thời xử lý.
Sắp tới, TP.HCM đưa vào sử dụng nền tảng Lắng nghe mạng xã hội, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trả lời được câu hỏi người dân thành phố quan tâm nhất từng ngày, từng tuần.
Ông Thắng cũng cho biết TP.HCM chuyển từ cách thức xây dựng sang thuê dịch vụ để rút ngắn thủ tục, giảm bớt rủi ro khi đầu tư các hệ thống công nghệ thông tin. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ thành lập Trung tâm Chuyển đổi số để hỗ trợ các đơn vị, đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tại chỗ.