Ngày 5-12, UNESCO chính thức tôn vinh nghệ thuật bolero là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo đề nghị của Cuba và Mexico.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang đón nhận thông tin trên với một sự vui mừng đặc biệt vì đây là dòng nhạc ông gắn bó cả đời mà không phân biệt bolero châu Mỹ hay bolero Việt Nam.
Xa vời vẫn mong
Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long trao đổi với Tuổi Trẻ rằng không chỉ là một điệu nhạc (dòng nhạc, thể loại nhạc sau này), bolero đại diện cho đời sống tinh thần của nhiều cộng đồng trên thế giới, trở thành một phần của văn minh nhân loại.
Sang Việt Nam, bolero được Việt hóa và khác rất nhiều so với thế giới: trữ tình hơn, chậm rãi hơn. Nó mang tinh thần người Việt và có sự pha trộn của âm nhạc dân gian không chỉ Nam Bộ mà cả Bắc Bộ.
Theo ông Long, bolero chưa được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ, song bolero "phù hợp với tâm tình của người Việt, với đặc trưng văn hóa Việt, là di sản của người Việt".
Không đặt vấn đề bolero Việt xuất ngoại hay được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vì "khá xa xôi", nhưng theo ông Long, tới giờ bolero Việt Nam vẫn có sức lan tỏa rộng.
"Đó là một dòng nhạc rất giá trị, phù hợp với đông đảo công chúng, đặc biệt là tầng lớp bình dân" - ông đánh giá nhân câu chuyện ở châu Mỹ, chính người Việt cần nhìn nhận, đánh giá đúng và đầy đủ về dòng nhạc này.
Còn với nhạc sĩ Đài Phương Trang, ông mong "một ngày bolero Việt Nam có cơ hội được sánh vai với bolero trên thế giới" và "biết đâu một ngày nào đó, bolero của Việt Nam cũng nhận được sự tôn vinh đặc biệt này".
Bolero "gieo duyên"
Theo soạn giả Đăng Minh, bolero và cải lương đến với nhau không cố ý vậy mà vẫn cộng hưởng rất lớn. Ví dụ bài ca đầu tiên mà soạn giả Viễn Châu viết để khởi đầu loại hình tân cổ giao duyên là Chàng là ai? của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết do NSND Lệ Thủy ca.
"Chàng là ai? là nhạc phẩm thuộc dòng bolero. Kể từ đó, gần như 90% các bài tân cổ giao duyên khai thác từ bolero. Những người đi đầu có thể kể như soạn giả Viễn Châu, Loan Thảo... với các bài Nỗi buồn hoa phượng, Nỗi buồn gác trọ, Sao chưa thấy hồi âm, Quán nửa khuya..." - ông Đăng Minh nói.
Soạn giả Hoàng Song Việt tiết lộ với nhiều bài như Nỗi buồn gác trọ, Sao chưa thấy hồi âm..., các tiền bối đã viết tân cổ giao duyên nhưng đến nay vẫn có nghệ sĩ đặt ông viết tân cổ dựa trên những bài này.
Không chỉ nghệ sĩ trong Nam mà như nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền của đất Bắc là một điển hình thường hát các bài tân cổ được viết từ nhạc bolero...
Thậm chí, bolero cũng "hợp ca" với tuồng "ngon lành". Ông Việt kể ông từng theo Đoàn cải lương Tuổi Trẻ Thương Nghiệp đi lưu diễn ở Phước Hải với vở Qua cơn ác mộng. Trong đoàn có cố nhạc sĩ Đức Phú, trong một buổi tập ông Đức Phú lôi cây guitar thùng ra đờn một bài và kêu Hoàng Song Việt lưu ý để đưa vào tuồng.
Ông Việt nghe thấy quen quá nhưng không đoán ra. Hỏi dò mới biết nhạc phẩm này có khai thác âm nhạc bolero rồi biến tấu, kết hợp cổ truyền và hiện đại để tạo nên bài bản mới trong cải lương.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ: "Cậu Đức Phú của tôi là người rất tài và nhạy bén trong việc khai thác các dòng nhạc để đưa vào cải lương. Tính sơ sơ có cả trăm bài nhạc tuồng cổ mà cậu khai thác từ âm nhạc bolero"...
Rất nhiều câu chuyện mà soạn giả Đăng Minh, Song Việt và nghệ sĩ Bạch Long kể cho thấy nhạc bolero tự bản thân nó không đứng một mình trơ trọi mà có một sự giao duyên, hòa hợp, làm giàu và phong phú thêm những loại hình nghệ thuật truyền thống khác nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Bảo vệ, phát huy nó cũng là bảo vệ "nguồn gene quý" của văn hóa nghệ thuật.
Bolero đang gặp thách thức
Ông Thành Vinh, giám đốc Kmedia, chia sẻ sáng 5-12 thông tin về việc bolero được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trên báo chí khiến ông xúc động.
Kmedia là đơn vị từng phối hợp sản xuất các chương trình Solo cùng bolero, Tình bolero, Kịch cùng bolero và Tình ca Việt Nam nên ông dõi theo dòng nhạc này với bao hồi hộp trước những bước đi thăng trầm của nó trên truyền hình cũng như trong đời sống văn hóa.
"Mang bolero lên truyền hình vào hàng sớm nhất nước khi chúng tôi tổ chức game show Solo cùng bolero, khán giả đón nhận khủng khiếp.
Riêng ba mùa đầu, tổng số người đăng ký dự thi lên tới khoảng 50.000 người, gồm đủ thành phần trong xã hội, từ nông dân cho đến công an, bác sĩ...", ông Vinh kể lại thời hoàng kim của các chương trình bolero trên sóng truyền hình.
Sau đó, như hầu hết các game show trên truyền hình, các chương trình này cũng "giảm nhiệt dần", các mùa sau chỉ còn khoảng 20.000 người đăng ký/mùa.
Kmedia tạm dừng Solo cùng bolero ba năm trước để tìm cách đổi mới cho phù hợp thị hiếu khán giả mới; nhưng cũng theo ông Vinh, nhiệt đang bắt đầu được hâm nóng trở lại gần đây.
Ngoài "vòng đời" phát triển rồi thoái trào của một chương trình truyền hình, nhiều thí sinh viết thư tới chương trình hỏi bao giờ tổ chức trở lại, một số nhà tài trợ cũng đã ngỏ lời với chương trình để được đồng hành.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, "việc phát triển bolero đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh xã hội hiện nay". Có hiện tượng bolero "già hóa" khi những ca khúc cũ vẫn chiếm ưu thế. Một số nhạc sĩ trẻ tâm sự với ông rằng "viết bolero thì ai nghe và bán cho ai".
Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho rằng hiện vẫn có những nhạc sĩ trẻ sáng tác bolero, vẫn có những ca sĩ trẻ hát bolero nhưng nhìn chung số lượng có phần lép vế. Vì nhiều lý do, trong đó có mạng xã hội dễ cuốn người ta vào thế giới giải trí khổng lồ, bolero "mới" chưa đến với công chúng trẻ.
Hiện ngoài gần một trăm ca khúc cũ, ông có khoảng một trăm ca khúc mới chưa công bố. Ông dự định sẽ lập kênh riêng để phổ biến những ca khúc này nhằm bổ sung những ca khúc mới vào kho tàng bolero của Việt Nam.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang nói nhìn ra gọi tên và định vị giá trị của bolero là việc quan trọng nhưng quan trọng hơn phải làm sao để bảo tồn, phát huy giá trị của nó.
Bolero là giấc mơ ca sĩ cho mọi người
Tháng 12-2023, ca sĩ Mạnh Nguyên kết hợp với nhạc sĩ Hoài An ra phim ngắn ca nhạc Xin đừng gọi tên anh.
Đây là sản phẩm mới nhất của quán quân cuộc thi Solo cùng bolero 2017 và mới nhất là top 3 Người kể chuyện tình năm 2023.
Mạnh Nguyên vốn làm nghề bán kẹo kéo đường phố. Anh là con trai của nghệ sĩ đường phố bán kẹo kéo Mạnh Thường.
Cha của Mạnh Nguyên từng thi Tình bolero hoan ca và dừng chân ở tập 8.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Mạnh Nguyên cho biết: "Solo cùng bolero đã giúp đời tôi sang một trang mới. Sau cuộc thi, tôi bỏ nghề bán kẹo kéo, chuyên tâm vào ca hát hơn.
Thú thật là hiện nay tôi cũng vừa đi hát vừa làm thêm công việc khác nữa mới có thể đủ sống, nhưng tôi vui vì được sống với niềm đam mê ca hát và nhiều người biết đến giọng ca của mình".
Có một thời gian bolero bùng nổ trên các đài truyền hình: Solo cùng bolero được tổ chức đến bảy mùa, Thần tượng bolero (bốn mùa), Tình bolero, Tuyệt đỉnh bolero, Duyên dáng bolero, Kịch cùng bolero, Tình bolero hoan ca...
Thí sinh tham gia các cuộc thi bolero rất đa dạng nhiều thành phần: ca sĩ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu, hoa khôi, MC và cả những doanh nhân.
Những cuộc thi bolero đã mở ra những cơ hội lớn cho tất cả mọi người có dịp thể hiện giọng ca của mình.
Tuy nhiên, dù hát bolero không quá khó nhưng để tạo được dấu ấn không đơn giản. Việc quá nhiều cuộc thi bolero trên truyền hình khiến phong trào chung nhàm chán, thiếu giọng ca hay. Dần dần các cuộc thi này giảm sức hút với khán giả.
Migdalia Hechavarria (82 tuổi, người Cuba), một trong những nghệ sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc bolero trữ tình, rất vui mừng khi hay tin UNESCO công nhận bolero là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.