Ngày 7-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phùng Quốc Bình - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang - cho biết cơ quan này có nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc bao chiếm đất công lẫn đất của người dân trái phép tại các địa phương.
Đất công, đất dân đều bị bao chiếm?
Dù các vụ việc được UBND tỉnh Kiên Giang chuyển đơn về các địa phương xử lý, nhưng nhiều vụ chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, vụ ông Nguyễn Văn Nghiệp, ngụ tỉnh An Giang, có hơn 12ha đất nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương nhưng không thể sản xuất được, mà bị nhóm người dân địa phương bao chiếm đất mặt tiền, chính quyền huyện Kiên Lương xử lý nhiều năm chưa xong.
Còn vụ ông Trần Quốc Tuấn, ngụ phường Tô Châu, TP Hà Tiên bị ông Lý Thanh Giàu bao chiếm gần 3.000m2 đất ven quốc lộ 80 để xây dựng nhiều căn nhà trái phép.
Dù TP Hà Tiên đã ra quyết định xử phạt vi phạm và ra quyết định cưỡng chế, nhưng thủ tục chưa chặt chẽ nên không xử lý được.
Đáng chú ý, hai vụ 79 căn biệt thự xây trái phép trên đất công ở Phú Quốc và vụ đầm Đông Hồ - khu dự trữ sinh quyển thế giới - đã bị nhiều người dân khu vực này bao chiếm, "băm nát" rừng dừa nước, để hình thành nhiều vuông tôm mấy năm qua. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang phối hợp với TP Hà Tiên xây dựng kế hoạch phối hợp đo đạc hiện trạng đất bị bao chiếm, để có phương án đề xuất UBND tỉnh xử lý.
"Những năm qua, việc quản lý đất đai vẫn còn bị người dân bao chiếm, lấn chiếm đất công. Sở đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang ra văn bản chấn chỉnh toàn tỉnh về công tác quản lý. Tuy nhiên, đầu năm đến nay tình hình chưa ổn nên tôi tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các huyện rà soát tất cả đất công có bao nhiêu trường hợp bị bao chiếm, lấn chiếm trái phép và phương án xử lý ra sao, gắn với trách nhiệm từng địa phương. Đến nay, 144 xã, phường, thị trấn vẫn chưa báo cáo đầy đủ hết", ông Bình nói.
Chính quyền cơ sở làm tốt thì sẽ ổn
Theo ông Bình, các huyện, thành phố cần báo cáo đầy đủ về tỉnh và đề xuất hướng xử lý từng trường hợp rõ ràng. Các địa phương còn vướng mắc thì ngành sẽ hỗ trợ. "Cái nào chưa có sơ đồ, bản đồ hay tọa độ đất thì sở sẽ hỗ trợ. Còn cái nào bị bao chiếm, lý do bao chiếm, các địa phương phải báo cáo để tỉnh có phương án xử lý. Do các địa phương chưa báo cáo hết nên từ nay đến cuối năm chúng tôi vẫn phải chờ để hướng xử lý nhằm quản lý đất công chặt chẽ", ông Bình giải thích.
Trả lời câu hỏi củaTuổi Trẻ Online có hay không trong các vụ đất công bị bao chiếm tại TP Phú Quốc, TP Hà Tiên và một số địa phương đã có sự tiếp tay của cán bộ ngành?
Ông Phùng Quốc Bình nói: "Đối với vụ Phú Quốc, các đoàn thanh tra của tỉnh đã và đang làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cán bộ. Còn vụ đầm Đông Hồ, lực lượng chức năng đang khẩn trương vào cuộc xử lý. Tôi nghĩ sau kết luận vụ việc mới xác định được trách nhiệm của cán bộ đến đâu".
Nói về giải pháp sắp tới, ông Bình nhìn nhận: "Luật đã xác định trách nhiệm của ai, làm gì trong quản lý đất đai rất rõ ràng. Nếu chính quyền cơ sở với trách nhiệm được pháp luật quy định mà làm đầy đủ thì mọi việc sẽ ổn. Tuy nhiên, trong câu chuyện này còn nhiều yếu tố khách quan như nhân lực, vật lực. Cái quan trọng nhất là làm không nổi phải báo cáo, đề xuất cấp trên kịp thời tăng cường, nhưng nhiều anh em không thấy được điều này. Sắp tới đây phải siết lại".
TTO - Thời gian gần đây, rất nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự đã đổ ra Phú Quốc lập băng nhóm tìm cách bao chiếm, dựng chòi ngay trên đất của người dân, dự án... đòi chia phần.