Bà gọi loại hình âm nhạc này là "bản sắc, cảm xúc và thơ ca được biến thành bài hát". Được AFP phỏng vấn tại nhà riêng, Hechavarria hát ca khúc bolero cổ điển Me faltabas tu để chia sẻ niềm vui này đến những người yêu chuộng dòng nhạc bolero trên thế giới. Bà nói: "Đây là thứ âm nhạc khiến chúng ta được sống".
Với giọng hát mê hoặc, Hechavarria đã đưa bolero đi khắp thế giới. Bà hòa giọng cùng những ngôi sao như Omara Portuondo và Celia Cruz, Elena Burke, Cesar Portillo và Ignacio Villa (Bola de Nieve).
"Bolero là một cảm giác. Bolero là một thứ gì đó nhẹ nhàng, ngọt ngào để người ta thưởng thức, cho những ai muốn yêu thì sẽ được yêu, cho những ai muốn hôn thì sẽ được hôn" - Hechavarria, người đã hát bolero trong 25 năm tại Gato Tuerto - "pháo đài bolero" ở Havana, nói thêm.
El Primer Bolero (First Bolero): "Tristezas" performed by Carlos y Marta
Bolero (được cho là) ra đời ở Santiago de Cuba ở phía đông nam nước này vào cuối thế kỷ 19, sau đó lan rộng khắp Mexico.
Bài hát bolero đầu tiên là Tristezas (Những niềm đau) do nhạc sĩ Pepe Sánchez sáng tác khoảng năm 1883.
Giai điệu lãng mạn, trữ tình của bolero nhanh chóng len lỏi vào đời sống nơi đây, các ca sĩ lẫn người dân đều say sưa hát và thưởng thức trên từng góc phố.
Năm 1932, nữ nhạc sĩ Consuelo Velazquez đã biểu diễn ca khúc Bésame Mucho (Hôn em thật nhiều) do chính cô sáng tác năm 15 tuổi, một bài hát về tình yêu đơn phương sau này trở thành kinh điển và được những siêu sao như Nat King Cole, Frank Sinatra và The Beatles hát lại.
Giai điệu nồng say đã đưa Bésame Mucho trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế kỷ 20 và cũng là một trong những bài hát kinh điển nhất trong lịch sử âm nhạc Latin, đồng thời là bài hát tiếng Tây Ban Nha được thu âm và hát lại nhiều nhất trong lịch sử.
CONSUELO VELÁZQUEZ - BÉSAME MUCHO
Đến tận ngày nay, bolero vẫn ngập tràn trên những bãi biển du lịch ở Havana, khiến tay trống Pedro Luis Carrillo (52 tuổi) - người đã chơi dòng nhạc này 30 năm - ngạc nhiên khi dòng nhạc tuyệt vời này vẫn còn khiến du khách mê mẩn.
Nhưng bên cạnh đó, dòng nhạc cũng không còn là chủ lưu của thời đại mới. Hầu hết ca sĩ bolero ở Mexico và Cuba nay đã lớn tuổi, nhiều người trên 60 tuổi và phải cạnh tranh với nhiều ca sĩ thuộc những dòng nhạc khác trong các quán bar và quán rượu.
Dù thời hoàng kim của bolero có thể đã qua đi, nhưng di sản âm nhạc vẫn còn mãi như một minh chứng về một thời con người đã yêu khao khát và cuồng si như thế như trong những bài hát.
Nghệ sĩ Jose Antonio Ferrari (người Mexico), 72 tuổi và có hơn nửa thế kỷ hát bolero, nói với AFP: "Bolero là nhạc nền lay động những cảm giác và cảm xúc sâu sắc nhất của con người. Miễn tình yêu vẫn còn tồn tại, vẫn còn những kẻ tan vỡ trái tim vì tình thì vẫn mãi còn những thứ đẹp đẽ như bolero".
Ngày 5-12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức tôn vinh nghệ thuật bolero là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo đề nghị của Cuba và Mexico.