Hộp cao bằng nhôm nhỏ xíu, hình tròn, có ngôi sao vàng nổi bật trên nền đỏ trở thành thuốc trị bách bệnh từ đau đầu chóng mặt, đau lưng, đau bụng tới say tàu xe, muỗi đốt…
Cao Sao vàng và bầu trời ký ức
Mùa đông miền Bắc nhiều sương lạnh giá, bố mẹ tôi thường bôi cao Sao Vàng lên cổ và thái dương mỗi buổi đi làm đồng sớm để tránh gió và côn trùng. Riêng bà nội tôi có thói quen để một hộp cao Sao Vàng trong túi áo. Đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in mùi hương nồng nàn pha chút the mát của bạc hà trên người bà. Hộp cao tuy nhỏ nhưng dùng rất lâu, nên khi "ruột" còn mà lớp vỏ ngoài đã hoen gỉ.
Tôi rất thích những lần giúp bà mở hộp cao. Lúc ấy chẳng thể nào vặn theo cách thông thường mà phải vung tay ném mạnh xuống nền nhà để hai nắp bung ra. Nắp hộp cao tròn nên có thể lăn vào gầm giường, khe tủ - một cái cớ quá tuyệt vời để tôi thoải mái lăn lê mọi ngóc ngách mà không sợ mẹ mắng.
Khi cao dùng hết, nắp hộp lại được tận dụng để chơi rất nhiều trò. Tụi con trai dùng búa đập bẹp rồi xuyên dây dù tháo từ bao xi măng làm con quay mang đi "chọi" khắp làng. Hồi đấy thịnh hành con quay làm từ nắp bia nên đứa nào có con quay cao sao vàng thì "độc" và "sang" lắm. Tụi con gái thích dùng nắp hộp cao để làm bát cơm chơi đồ hàng.
Rồi có một năm, rặng dứa trồng dọc đường làng tự nhiên nhiều ốc sên đến lạ. Không biết đứa nào nghĩ ra, trẻ con thi nhau dùng hộp cao Sao Vàng làm lồng ấp trứng ốc sên. Chẳng biết có chú ốc sên nào chào đời thành công hay chưa, tôi chỉ nhớ thằng Hoàng nhà bên bị mẹ "ấp" nguyên một đàn lươn lên mông vì tội khoét hộp cao trét xuống gầm giường cho nhanh hết để lấy hộp ấp trứng.
Rồi cũng chính nó rủ rê tôi cho cao Sao Vàng vào nước ấm làm thành "rượu tiên". Hai đứa hí hửng bày đồ như hội bàn đào trong phim Tôn Ngộ Không nhưng chưa kịp bắt đầu thì đã bị mẹ tôi tiễn bay bằng vài ba nhát chổi.
Nhớ về hộp cao Sao Vàng có nhiều kỉ niệm vui nhưng cũng không ít chuyện buồn. Nhà tôi ở gần đồng nên con mèo Miu thường chạy ra đấy săn chuột rồi vô tình ăn nhầm phải bả. Cả nhà xúm lại chạy chữa. Mẹ lúi húi đổ nước đường cho Miu, bố quệt một chút cao Sao Vàng lên mũi Miu, chị em tôi ngồi bên vừa vuốt ve vừa gọi Miu mau tỉnh lại. Nhưng tất cả cố gắng của chúng tôi đều vô ích. Lúc Miu nhũn đi trong tay mình, tôi vẫn nhớ mùi cao Sao Vàng cay nhòe hai mắt.
Chung tay hồi sinh thương hiệu Việt
Có một năm khác, ông nội nuôi gà công nghiệp "tăng gia" để chị em tôi có tiền mua quần áo mới. Suốt ba tháng, ông chăm chút đàn gà lớn phổng phao, tới màu lông trắng cũng lấp lánh, chỉ đợi Tết được giá là sẽ xuất chuồng. Thế mà đùng một cái đàn gà lăn ra ốm. Những đôi chân vàng bóng cứ như bị hút cạn sinh lực, teo dần rồi trở nên khô đét. Một con, hai con rồi nửa đàn gà chẳng đứng dậy được nữa.
Ông pha thuốc vào nước, vẩy vôi khử trùng chuồng, hun trấu sưởi ấm nhưng cũng không cứu nổi đàn gà. Bí quá, ông lấy cao Sao Vàng thoa vào chân gà cho chúng "cứng chân". Có con ông thoa cả lên lông, lên mào để "tăng sức đề kháng".
Nhưng trước Tết, đàn gà vẫn bỏ ông cháu tôi đi gần hết. Bà nội tiếc của khuyên ông thịt đôi gà khỏe mạnh cuối cùng. Món gà rang hôm ấy ngoài mùi gừng, mùi lá chanh có thêm cả mùi cao thoang thoảng và nỗi buồn nặng trĩu đầu đũa của mọi người.
Năm tôi lên tiểu học, cao Sao Vàng gặp một đối thủ nặng ký là "cao con hổ". Cao con hổ nhẹ mùi hơn, lại đựng trong hộp thủy tinh đẹp đẽ nên được người trẻ ưa chuộng. Dần dần, cao Sao Vàng trở thành cao của người già. Bẵng đi rất nhiều năm, theo sự phát triển của kinh tế, mỗi gia đình có nhiều sự lựa chọn hơn, chỉ thi thoảng tôi mới bắt gặp mùi hương quen thuộc ở các bến tàu xe.
Nỗi buồn âm ỉ cứ thế cồn lên mỗi khi tôi nghĩ một phần tuổi thơ mình sẽ biến mất mãi mãi.
Nhưng thật bất ngờ, cao Sao Vàng đã trở lại gặp tôi trong hành lý của một người bạn Nhật. Thì ra ở một nơi mà tôi không biết, cao Sao Vàng vẫn bền bỉ thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe mọi người.
Cầm hộp cao nhỏ nhắn trong tay mà lòng tôi không khỏi nghẹn ngào, vừa mừng vui khi gặp lại người bạn ấu thơ, vừa tự trách bản thân vì tâm lý "sính ngoại" bấy lâu mà quên mất một thương hiệu thuần Việt vô cùng chất lượng.
Tôi mong mỗi người Việt Nam sẽ thêm trân quý và tự hào về những sản phẩm "made in Việt Nam". Chúng ta hãy cùng chung tay "hồi sinh", phát triển để ngày càng có thêm nhiều những "ngôi sao vàng", dệt nên một dải ngân hà thương hiệu Việt tỏa sáng trên trường quốc tế.
Chia sẻ về những thương hiệu bạn yêu thích, hay chính quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bạn để có cơ hội nhận được giải thưởng lên đến 30 triệu đồng.