Sự sụt giảm về doanh số các doanh nghiệp lắp ráp, phân phối xe tải nằm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường ô tô.
Chính sách giảm giá để bán hàng bào mòn lợi nhuận
Công ty cổ phần ô tô TMT là đơn vị sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. Trên website, TMT giới thiệu đang phân phối xe tải Hãng TATA (Ấn Độ), Sinotruck (Trung Quốc) và xe điện Wuling Hongguang MiniEV (Trung Quốc).
Báo cáo tài chính cho thấy trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TMT đạt 1.973 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của TMT còn lại 188 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chỉ đạt 9,5% (giảm so với mức 11% cùng kỳ năm ngoái).
9 tháng năm nay, doanh nghiệp này phải trả 117 tỉ đồng chi phí lãi vay, gấp đôi cùng kỳ. Cùng với các khoản chi phí khác, dù doanh thu gần 2.000 tỉ đồng, TMT vẫn lỗ thuần hơn 10 tỉ đồng.
Song nhờ lợi nhuận khác tăng trong kỳ, TMT không lỗ ròng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng công ty này đạt vỏn vẹn 1,3 tỉ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ 2022 (9 tháng 2022 lãi 67 tỉ đồng).
Kết quả này còn cách rất xa so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 77,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Một trong những lý do ảnh hưởng đến lợi nhuận, theo giải trình của TMT, do chính sách giảm giá để thúc đẩy bán hàng.
Bán ô tô, lãi lại nhờ doanh thu tài chính
Trên thị trường ô tô, Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS) được biết đến là doanh nghiệp phân phối độc quyền xe tải hạng trung và nặng thương hiệu Dongfeng (nhập khẩu từ Trung Quốc) tại Việt Nam.
Dongfeng là thương hiệu ô tô thuộc sở hữu của Tập đoàn Dongfeng Motor Corporation - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc.
Một công ty con của HHS là Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ Hoàng Giang cũng đang kinh doanh dòng xe tải nặng nhập khẩu Trung Quốc, do Hãng Sinotruck sản xuất với các thương hiệu Howo, Sinotruck.
Ngoài kinh doanh xe tải, HHS cũng đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Năm 2022, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp lần lượt giảm 25,4% và 5%, đạt 385 tỉ đồng và 224 tỉ đồng.
Sang năm 2023, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của HHS cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 253 tỉ đồng.
Riêng trong cơ cấu doanh thu, chỉ có duy nhất doanh thu kinh doanh bất động sản là tăng trưởng dương, còn lại các mảng hoạt động khác liên quan đến kinh doanh xe tải đều sụt giảm.
Không phải kinh doanh cốt lõi, doanh thu từ hoạt động tài chính mới là khoản mang về lãi lớn cho HHS. Nhờ doanh thu tài chính kỳ này đạt 195 tỉ đồng (phần lớn đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia) mà lợi nhuận sau thuế đạt 185,8 tỉ đồng trong 9 tháng.
Cũng kinh doanh trong ngành xe tải còn điểm tên Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL). Tuy nhiên khác với TMT và HHS, HTL còn mua bán các loại xe chuyên dùng khác như xe cẩu, xe ben, xe bồn, xe trộn bê tông... Các hãng xe mà công ty này phân phối chủ yếu đến từ Nhật Bản như Hino Motors.
Trong 3 quý đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 370 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp không có nhiều thay đổi, chỉ loanh quanh 7-8%.
Lợi nhuận sau thuế của HTL cũng chỉ còn khoảng 9 tỉ đồng trong 9 tháng, giảm 67%. HTL cho biết nhu cầu đầu tư mua sắm xe mới chưa được cải thiện, khi nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế.
Dù vậy, HTL cũng đã gần hoàn thành kế hoạch năm khi đã đạt được 90% mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu do công ty đã chủ động đề ra kế hoạch kinh doanh thấp hơn nhiều so với năm 2022.
Các ngân hàng tập trung vào bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ cho vay mua nhà, ô tô cũng như từ các khoản vay chủ đầu tư bất động sản, theo VIS Rating.