Ảnh minh họa
Theo dữ liệu do Rabobank tổng hợp, với khoảng 150.000 tấn bơ xuất khẩu vào năm 2022, Tây Ban Nha là nước xuất khẩu số 3 thế giới, chỉ sau Mexico và Peru. Tuy nhiên giờ đây, nhiệt độ tăng và các hồ chứa cạn kiệt, bờ biển phía nam Tây Ban Nha đang phải vật lộn để hỗ trợ các trang trại bơ thương mại.
Lavao, chủ một trang trại bơ tại khu vực nói: “Chúng tôi chưa bao giờ biết đến những thời kỳ hạn hán như thế này. Điều này rất tốt cho du lịch nhưng thật khủng khiếp đối với chúng tôi.”
Lavao đã nhổ bỏ 2.500 cây bơ đang gặp khó khăn của mình vào tháng 8 và tháng 9, cùng với 1.500 cây khác sẽ bị loại bỏ trong một hoặc hai tháng tới. Anh ấy sẽ thay thế một số cây bằng xoài, loại cây cần ít nước hơn, nhưng phần đất còn lại của anh ấy hiện sẽ bị bỏ hoang. Những cây bơ khô sẽ được tái sử dụng làm củi đốt.
Liên minh các nông dân và chủ trang trại nhỏ ở tỉnh Málaga, Tây Ban Nha ước tính sản lượng thu hoạch bơ năm nay sẽ thấp hơn 60% so với năm trước.
Mực nước tại hồ chứa La Viñuela, được xây dựng vào những năm 1980 một phần để hỗ trợ các vườn bơ và xoài mọc lên ở La Axarquía, gần đây đã giảm xuống 7,57% công suất, mức thấp nhất từng được ghi nhận.
Các quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bơ năm 2022. Theo Bloomberg
Trên toàn cầu, khí hậu thay đổi đang buộc nông dân phải đánh giá lại việc lựa chọn cây trồng của họ. Một nghiên cứu do một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của Tây Ban Nha thực hiện ước tính nước này mất tương đương 6% sản lượng nông nghiệp do biến đổi khí hậu hàng năm.
Để giúp bảo vệ vị thế của Tây Ban Nha trên thị trường bơ toàn cầu trị giá khoảng 18 tỷ USD, một số người trồng bơ ở La Axarquía đang chuyển đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn. Theo ước tính của García, hơn 30% trang trại bơ ở La Axarquía đã bị bỏ hoang vì tình trạng hạn hán kéo dài.
Ngoài bơ, các loại cây trồng ít phổ biến hơn như su su, kiwi, chanh leo và thanh long cũng bắt đầu xuất hiện dọc theo bờ biển phía bắc của Tây Ban Nha để thích ứng với điều kiện thời tiết.
Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, DC, dự đoán đến năm 2050, Tây Ban Nha sẽ gia nhập nhóm các quốc gia đang phải đối mặt với căng thẳng về nước cực kỳ cao, nghĩa là những quốc gia sử dụng hơn 80% nguồn cung cấp nước tái tạo để tưới tiêu, chăn nuôi, công nghiệp và nhu cầu trong nước.
Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia.
Đắk Nông được coi là "thủ phủ bơ" với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm. Thịt bơ thường được dùng làm nguyên liệu cho các món sinh tố giải khát, làm salad, sushi hoặc nhiều thực đơn khoái khẩu khác để ăn với bánh mì, bánh,.. Ngoài ra, bơ cũng được dùng trong việc chăm sóc da, làm đẹp cho mọi người, nhất là phụ nữ nên được mệnh danh là 'nữ hoàng' trái cây.
Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECD-FAO, trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, vượt qua dứa và xoài.
Trong đó, Mexico là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới. Dự báo sản lượng quả bơ của Mexico tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới.