Với giá thuê từ hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi tháng, các mặt bằng kinh doanh tuyến đường Đồng Khởi (Tp.HCM) hiện bị trả ra khá nhiều. Tuy vậy, chủ nhà chưa có ý định giảm giá thuê. Thậm chí, mặt bằng trống nhưng chủ nhà vẫn không treo biển cho thuê. Lý do đàng sau câu chuyện này là gì?
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield khẳng định, việc mặt bằng cho thuê tuyến đường Đồng Khởi tăng giá 17% so với cùng kì năm ngoái và tăng 40% so với trước dịch Covid-19 (năm 2019) là sự thật. Ngay trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chủ nhà cá nhân vẫn muốn tăng giá. Giá chủ nhà chào khách thuê sau cao hơn khách thuê trước là có.
Theo bà Trang, Đồng Khởi là tuyến đường khá ngắn (chưa đầy 1km). Việc giá thuê đắt đỏ đứng thứ 13 của thế giới là câu chuyện đáng suy nghĩ. Tại tuyến đường này, các mặt bằng kinh doanh đa số có diện tích 80m2 (4x20m). Giá thuê rất cao nhưng không có nhiều thương hiệu quốc tế kinh doanh trên tuyến đường này.
Ảnh: Hạ Vy
Trong khi trên thế giới, một số tuyến đường mua bán lớn, sầm uất của khu trung tâm thì được tái cấu trúc mặt bằng kinh doanh rất rõ ràng. Một số quỹ đầu tư vào mua hết các mặt bằng này, nối với nhau thành không gian lớn, phát triển thành tầng cao, kinh doanh đồng bồ với nhiều thương hiệu lớn tập trung.
Ở Việt Nam thì chưa làm được. Tại các tuyến phố trung tâm như Đồng Khởi đa số mặt bằng kinh doanh là sở hữu cá nhân. Một số nhà mặt tiền là tầng trệt của chung cư cũ. Thời gian gần đây, đa số là mặt bằng tầng trệt bị bỏ trống.
“ Hiện chủ nhà vẫn muốn tăng giá thuê. Nhưng nếu giao dịch thuê kém thì chủ nhà cũng cần xem xét lại. Với bối cảnh thị trường chung, nhu cầu thị trường ít thì giá thuê cũng phải được điều chỉnh”, bà Trang nhấn mạnh.
Thời gian qua, mặt bằng cho thuê tại khu trung tâm Tp.HCM liên tục bị trả ra. Cuối năm, tình trạng này tiếp tục diễn ra khi việc kinh doanh gặp khó khăn. Tuy vậy, việc giảm giá thuê các mặt bằng nhà phố trung tâm chưa rõ nét.
Đa số chủ nhà có cho khách thuê thương lượng về thời gian thuê, số tiền cọc phải đóng. Còn giá thuê gần như giữ nguyên so với đầu năm 2023 hoặc tăng nhẹ (rất ít trường hợp thương lượng giảm được giá thuê từ trên dưới 10%).
Theo bà Trang Bùi, giá thuê cao, diện tích nhỏ, kinh tế suy giảm, chưa đồng bộ các các mặt bằng và ít thương hiệu lớn... là các nguyên nhân khiến mặt bằng Đồng Khởi bị "ế". Ảnh: Hạ Vy
Tìm hiểu được biết, việc giữ giá thuê ngầm hiểu chủ nhà muốn giữ “giá trị căn nhà”. Dòng tiền sinh ra từ cho thuê với họ không quan trọng bằng giá trị gia tăng của một tài sản ngay trung tâm, vị trí đắc địa. Đó là lý do, thời gian qua, dù một số mặt bằng để trống nhưng chủ nhà không treo biển thuê. Họ sẽ treo biển cho thuê lại khi kinh tế ổn định.