Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 50,42%
Ngày 7.12, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Kon Tum, nhiều đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh này về tiến độ giải ngân vốn thấp.
Theo đại biểu Hồ Văn Đà (tổ đại biểu HĐND tỉnh tại TP.Kon Tum), đến ngày 30.11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Kon Tum mới chỉ đạt 50,42%, thấp nhất trong các năm qua và thấp hơn tiến độ giải ngân trung bình của cả nước là 65%. Đại biểu Đà đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cho biết nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ?
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, những tồn tại, hạn chế dẫn đến giải ngân thấp và thấp nhất so với những năm trước đây, trước hết trách nhiệm thuộc về các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khi tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa chủ động, quyết liệt, phối hợp tốt trong nhiệm vụ được giao.
Tiếp theo là các sở, ngành có liên quan trong thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chưa thực sự tốt; các huyện, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng; trách nhiệm của các nhà thầu… Đặc biệt, UBND tỉnh Kon Tum cũng nhận khuyết điểm này trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Vướng thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, một số nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm là do thủ tục đầu tư qua nhiều ngành, nhiều cấp; một dự án đầu tư tầm trung sau khi có chủ trương đầu tư để triển khai được thì cần ít nhất 6 tháng nếu thuận lợi, không vướng rừng, đất, môi trường...
"Riêng đối với dự án liên quan đến chuyển mục đích rừng, tỉnh có 5 dự án trình Thủ tướng Chính phủ gần 2 năm, có dự án chưa phê duyệt; chưa kể đến khi trình chủ trương đầu tư được HĐND tỉnh thông qua nhưng khi đi vào chi tiết dự án lại không thực hiện được do đề xuất không đảm bảo các quy trình, quy định, mất rất thời gian; nhiều nội dung cần phải chờ quy hoạch mới thực hiện được..." ông Sâm nói.
Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là hạng mục khó khăn nhất. Giá cả, đất đai, tài sản phải thu hồi... Nếu giá thấp thì người dân không đồng thuận, giá cao thì không có căn cứ. Chưa kể chính sách không đầy đủ, không phù hợp đền bù tài sản của doanh nghiệp nhà nước, hợp đồng nhận khoán công ty cao su; nguồn gốc đất đai không rõ ràng cần phải kiểm tra, thanh tra.
Về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường, nhất là các mỏ đất đắp hiện không có nguồn cung, theo ông Sâm, thủ tục liên quan đến luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian, từ công tác quy hoạch đến cấp phép và đến khi dự án được triển khai mất hơn 1 năm nếu phối hợp tốt. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như vốn Trung ương giao chậm; biến động giá cả thị trường, giá nguyên vật liệu tăng cao, năng lực nhà thầu (tư vấn, thiết kế, thi công...); ảnh hưởng của thời tiết...
Phấn đấu giải ngân được 95%
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, phấn đấu đến hết niên độ năm 2023, địa phương phải giải ngân được 95%, 5% còn lại điều chuyển sang năm sau theo chủ trương được Quốc hội thông qua.
Để đạt được yêu cầu trên trong năm 2023 và những năm tiếp theo, chủ đầu tư phải nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm vững các quy định pháp luật để đề xuất xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh phải xác định đầu tư xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải phối hợp tốt để xử lý hồ sơ sớm, kịp thời hướng dẫn, phối hợp xử lý trong công tác thẩm định hồ sơ dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu vượt thẩm quyền thì chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, hạn chế chậm xử lý hồ sơ, đùn đẩy trách nhiệm.
"UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó sớm phê duyệt giá đất cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động. Các đơn vị nhà thầu, tư vấn, thi công tập trung máy móc, nhân lực, tăng ca, phối hợp với chủ đầu tư, các sở, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm đạt mục tiêu đề ra", ông Sâm nói.