Nội dung trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa X, chiều 7-12.
Nhà ở thiếu nhưng nhà để trống cũng nhiều
Chất vấn chủ tịch TP, đại biểu Lê Thị Kim Thúy cho biết trong một khảo sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 tại TP.HCM, có khoảng 51.000 người lao động có nhu cầu thuê nhà và 29.000 người có nhu cầu mua nhà. Như vậy, phần nhiều người lao động không có nhu cầu sở hữu nhà mà chỉ thuê nhà ở xã hội.
Và không chỉ tại khu vực ngoài nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan công lập trên địa bàn cũng có nhu cầu thuê nhà ở. UBND TP.HCM có phương án ra sao để giải quyết nhu cầu này với những người có thu nhập thấp? Đại biểu còn đề cập hiện trạng nhiều dự án dở dang, kéo dài, chậm tiến độ hàng chục năm trên địa bàn TP, giải pháp, định hướng để khắc phục tồn tại này là gì?
Trả lời vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM là rất lớn nhưng số lượng nhà ở đang xây dang dở hoặc đã hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất cao. Đây là thực tế đang tồn tại không chỉ ở TP.HCM mà còn là vấn đề chung của các đô thị lớn.
Hiện những người có thu nhập thấp không có nhu cầu sở hữu nhà mà chỉ có nhu cầu thuê nhà vài triệu mỗi tháng để cân đối thu nhập. Do đó khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, TP đã xác định vấn đề này. Nhưng việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho thuê có nhiều điều kiện ràng buộc, cơ chế, chính sách lợi nhuận chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư.
TP cũng chỉ có thể sử dụng một phần ngân sách để giải quyết nhu cầu này của người dân chứ không thể dành toàn bộ. Nên TP sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, 6.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024. Tập trung cho các thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai 17 dự án nhà ở trong năm 2024.
Triển khai dự án PPP phải nhanh gọn hơn đầu tư công
Tại phiên họp, cử tri thắc mắc về giải pháp của TP tháo gỡ khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức PPP. Chủ tịch UBND TP cho biết về danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư, trong thời gian qua dù TP có nỗ lực xây dựng nhưng công tác chuẩn bị vẫn còn thiếu sự đồng bộ, có kẽ hở.
Ví như những dự án có nhu cầu thu hút đầu tư khi đưa ra nhưng chưa rà soát xem có phù hợp quy hoạch hay không, do đó việc thu hút từ danh mục 197 dự án có nhu cầu chưa hiệu quả. Vừa qua TP có đánh giá lại, những dự án nào đủ điều kiện mới giữ lại, dự án nào chưa đạt thì chuẩn bị thêm.
Còn về nhóm dự án PPP, UBND TP trình HĐND lần này đã tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch, các cơ chế theo nghị quyết 98. Làm sao khi thực hiện triển khai các dự án theo hình thức PPP này phải nhanh gọn hơn đầu tư công. Tập trung những dự án có thể làm ngay, dứt điểm sớm.
“Kinh nghiệm của chúng ta ví dụ như khu đô thị mới Thủ Thiêm chủ trương xây dựng rất đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, luật này luật kia thay đổi và chúng ta bị mắc về mặt pháp lý. Do đó cần chuẩn bị cho kỹ quy trình, hồ sơ”, ông Mãi nói.
Hiện nay việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch gặp khó khi người dân chưa đồng thuận chính sách bồi thường. Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị thí điểm cho tất cả các hộ dân được thuê hoặc mua nhà ở xã hội.