Độc giả Mai chia sẻ kết hôn hơn 30 năm không hạnh phúc, bị chồng bạo hành. Chồng bên ngoài luôn xây dựng hình ảnh người đàn ông hoàn hảo, yêu vợ con. Chị Mai vì giữ thể diện gia đình và con cái nên chịu đựng, nhưng đến nay quyết định thoát khỏi cuộc hôn nhân không như ý.
Song chồng chị nói tòa sẽ không bao giờ giải quyết ly hôn, nếu anh không ký đơn, sẽ không ai tin chị bị bạo hành. Chồng đưa ra điều kiện chị phải viết cam kết để lại 90% tài sản.
Chị Mai phân vân có nên làm cam kết để trước mắt "giải thoát" bản thân, sau khi ly hôn thành công có thể làm đơn ra tòa chia lại tài sản?
Khảo sát trên VnExpress cho thấy, 59% độc giả (967 người) cho rằng, việc chị kiện đòi chia lại tài sản sau khi ly hôn hoàn tất, là điều không thể.
Phần lớn bình luận, độc giả nghĩ chị Mai chỉ đang bị chồng "thao túng tâm lý", bởi trường hợp hoàn toàn có thể đơn phương ly hôn. "Chẳng có chuyện vì cái vỏ bọc 'người chồng hoàn hảo' mà vợ không thể đơn phương ly hôn được", độc giả Tô Hòa nêu.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) đánh giá, những yêu cầu chồng chị Mai đưa ra "không những trái pháp luật mà còn trái đạo đức xã hội". Bởi vợ chồng không còn hạnh phúc thì một trong các bên đều có quyền ly hôn, không bên nào có quyền đưa ra "yêu sách khi ly hôn".
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Như vậy, khi có đầy đủ căn cứ luật định thì tòa sẽ xem xét, giải quyết cho ly hôn mà không phụ thuộc vào ý chí của bị đơn (người không đồng ý ly hôn), luật sư nêu.
Còn theo luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật TNHH Fanci), Nhà nước ta tôn trọng tự nguyện kết hôn một vợ, một chồng và không một ai có quyền ép buộc. Việc ly hôn cũng vậy, người vợ, người chồng đều có quyền tự do ly hôn, có nghĩa là tự do thuận tình, tự do đơn phương ly hôn nếu không đạt được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này. Theo luật sư Hải, Tòa án phần lớn chấp nhận yêu cầu đơn phương ly hôn, trừ trường hợp ly hôn giả nhằm trốn tránh nghĩa vụ.
Hai luật sư có chung lời khuyên với chị Mai: Để chứng minh vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, kéo dài, chị cần thu thập các chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình của chồng, cũng như yêu sách của anh ta về chia tài sản khi ly hôn. Khi có đủ các căn cứ nói trên thì khả năng cao yêu cầu ly hôn của chị sẽ nhanh chóng được tòa án chấp nhận.
Về ký thỏa thuận chia tài sản theo ý chồng để việc ly hôn suôn sẻ, sau đó mới kiện ra tòa đòi chia lại tài sản, các luật sư khuyên chị Mai không nên làm với 2 lý do sau:
Thứ nhất, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã quy định rất đầy đủ, chi tiết, bao trùm hầu hết các góc cạnh của cuộc sống hôn nhân, luôn luôn bảo vệ phụ nữ và trẻ em nên chị hoàn toàn có thể yên tâm nếu nộp đơn ly hôn, chị sẽ được tòa án bảo vệ.
Thứ hai, thỏa thuận chia tài sản, theo điều 38 Luật hôn nhân gia đình, được lập thành văn bản được công chứng, do đó, bản chất là một giao dịch dân sự. Văn bản này có hợp pháp hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hình thức văn bản, ý chí các bên, nội dung có trái đạo đức, pháp luật hay không.
Vì vậy, khi vợ chồng đã ký văn bản thỏa thuận mà một trong các bên yêu cầu tuyên vô hiệu thì Tòa phải dựa vào lời khai các bên, chứng cứ khi xác lập giao dịch.
Việc chị Mai ký văn bản thỏa thuận chia tài sản theo ý của chồng (90/10) tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Bởi sau này, chị là người có nghĩa vụ phải chứng minh việc thỏa thuận đó là bị ép buộc, đe dọa, để thuyết phục tòa tuyên giao dịch đó vô hiệu. Trường hợp không chứng minh được, văn bản được công nhân là hợp pháp, chị Mai sẽ phải nhận 10% tài sản, chị sẽ rất thiệt thòi.
Do vậy, trong đơn ly hôn bạn đồng thời yêu cầu chia tài sản là đúng đắn nhất. Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình thì khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.5255864-cud-oad-iart-taul-ias-al-noh-yl-iom-nas-iat-09-aihc-iod-us-taul/ten.sserpxenv