Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tiến Dũng, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết đã hoàn thuế cho Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (gọi tắt là Samsung) hơn 550 tỉ đồng. Đây là số thuế VAT của giai đoạn trước ngày 1-5-2021, khi công ty hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nội địa, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế TP.HCM.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM đã hoàn thuế cho công ty hơn 550.768 tỉ đồng. Quyết định hoàn thuế được ký cuối tháng 11 và ngay sau đó công ty đã nhận được tiền hoàn thuế VAT.
Đây là một nửa tiền thuế VAT mà Samsung đang "sốt ruột" chờ hoàn. Đối với tiền hoàn thuế giai đoạn từ 1-5-2021 về sau, ông Dũng cho biết công ty hoạt động áp dụng chính sách thuế, hải quan theo loại hình doanh nghiệp chế xuất, không kê khai thuế tại Cục Thuế TP.HCM.
"Việc giải quyết hoàn thuế của công ty liên quan số thuế giá trị gia tăng đã nộp ở khâu nhập khẩu trường hợp tái xuất nguyên liệu, vật tư chưa qua chế biến, Cục Thuế TP.HCM tiếp tục có công văn báo cáo Tổng cục Thuế xin ý kiến chỉ đạo. Hiện nay, công ty vẫn đang tích cực làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để giải quyết vướng mắc vấn đề này", ông Dũng thông tin.
Trước đó, tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức vào giữa tháng 8, ông Youn Chel Woon, tổng giám đốc Samsung, cho biết nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) có tỉ trọng xuất khẩu đến 90%. Năm 2020, Samsung đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp chế xuất (EPE) và được phê duyệt vào 1-5-2021.
Tuy nhiên, trước và sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì phát sinh vấn đề hoàn thuế VAT. Cụ thể, Samsung chưa được hoàn số tiền 24 triệu USD cho giai đoạn trước khi chuyển đổi sang EPE. Cùng với đó, 20 triệu USD trong vòng 18 tháng (từ tháng 6-2021 đến tháng 12-2022) cũng chưa được hoàn. Tổng cộng số tiền thuế VAT chờ hoàn đến 44 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỉ đồng.
Thời điểm phản ánh, tổng giám đốc Samsung cho biết tháng 7-2022, Cục Thuế TP.HCM đã kiểm tra trong 2 tháng. Tổng cục Thuế cũng đã chủ trì một cuộc họp với các bên để thảo luận nhưng tính từ thời điểm bắt đầu phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay đã hơn 2 năm nhưng công ty vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế.
Các Cục Thuế phải báo cáo hằng ngày, hằng tuần về tiến độ hoàn thuế VAT
Thời gian qua, câu chuyện hoàn thuế VAT nóng trở lại khi nhiều doanh nghiệp kêu vì bị chậm hoàn thuế. Ngày 6-12 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý hoàn thuế VAT. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thành phố và các Chi cục Thuế thuộc Cục Thuế TP Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Tại hội nghị, ông Mai Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay năm 2023 là năm mà công tác quản lý hoàn thuế VAT của ngành thuế nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ông Mai Sơn đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được trong quản lý rủi ro vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT, gây ảnh hưởng đến kết quả hoàn thuế VAT chung của toàn ngành.
Để tiếp tục thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT trong tháng cuối năm 2023, ông đề nghị các đơn vị chức năng của tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cục thuế giải quyết triệt để các vướng mắc trong công tác quản lý hoàn thuế. Đồng thời, tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin về hoàn thuế để tiếp nhận hồ sơ tự động, lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế VAT và xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
Ông Mai Sơn yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ đạo đôn đốc công tác hoàn thuế VAT theo công điện số 07 (ban hành tháng 8-2023).
Bên cạnh đó phải kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế các hồ sơ hoàn thuế đang vướng mắc trước ngày 15-12, trong đó lưu ý các hồ sơ hoàn thuế kiểm tra trước hoàn có thời gian giải quyết đã quá 40 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
"Đề nghị các cục thuế nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý dứt điểm công việc, có chế độ báo cáo hằng tuần, hằng ngày theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo ngay về tổng cục để được tháo gỡ kịp thời" - ông Mai Sơn nhấn mạnh.
Căng thẳng chưa có hồi kết giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đã diễn ra gần hai năm qua và ngày càng lan rộng.