Xuyên Việt Oil liên tục nợ thuế, âm vốn chủ sở hữu
Mới đây, Cục Thuế TPHCM công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế đợt 2 năm 2023. Theo đó, 198 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 8.080 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) với số nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng. Không phải lần đầu tiên Xuyên Việt Oil bị "bêu tên" vì nợ thuế. Trước đó, công ty này có chuỗi ngày dài chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Tại ngày 31/12/2022, Xuyên Việt Oil ghi nhận 1.373 tỷ đồng "thuế và các khoản phải nộp Nhà nước". Con số này hồi cuối năm 2021 còn lên đến 1.810 tỷ đồng.
Cùng với nợ thuế là tình hình kinh doanh đi lùi khi doanh thu giảm sâu, thua lỗ tăng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2022, Xuyên Việt Oil ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 11.911 tỷ đồng, giảm 10.446 tỷ đồng so với con số hơn 22.350 tỷ đồng của năm 2021, tương đương giảm 46,7% so với năm 2021.
Xuyên Việt Oil thực hiện chính sách tiết kiệm khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 260 tỷ đồng xuống 162 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm từ 23,4 tỷ đồng xuống 8,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng 816 tỷ đồng, tương đương 95,4% lên 1.671 tỷ đồng.
Kết quả là năm 2022, công ty này gánh lỗ sau thuế gần 800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với khoản lỗ hơn 720 tỷ đồng của năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, Xuyên Việt Oil gánh lỗ lũy kế 3.533 tỷ đồng, tăng mạnh so với con 2.733 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Tuy nhiên, do công ty tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng nên cuối năm 2022 chỉ còn âm vốn chủ sở hữu 533 tỷ đồng, cải thiện so với con số âm vốn 733 tỷ đồng của một năm trước đó.
Tài sản giảm 3.672 tỷ đồng, dòng tiền âm nặng
Song song với doanh thu sụt giảm mạnh, thua lỗ tăng là tình trạng tài sản hao hụt. Tại ngày 31/12/2022, Tổng tài sản của Xuyên Việt Oil chỉ còn là 8.483 tỷ đồng, giảm 3.672 tỷ đồng, tương đương 30,2% so với cuối năm 2021.
Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là chỉ tiêu suy giảm nhiều nhất khi chỉ còn 0 đồng hồi cuối năm 2022 dù cuối năm 2021 vẫn là 5.077 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 372 tỷ đồng xuống 212 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, trong khi nợ phải trả giảm sâu, giảm 3.873 tỷ đồng, tương đương 30% xuống 9.015 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng mạnh, tăng 3.460 tỷ đồng, tương đương 145% lên 5.844 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù nợ vay tăng tới 145% nhưng chi phí lãi vay lại giảm 102 tỷ đồng, tương đương 61,5% xuống chỉ còn 63,9 tỷ đồng.
Đa số các chỉ tiêu chính đều kém lạc quan nên dòng tiền của Xuyên Việt Oil rất yếu. Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 14.362 tỷ đồng.
Nhờ động thái thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và tiền đi vay, tình trạng âm dòng tiền của Xuyên Việt Oil được cải thiện. Cuối năm 2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty còn âm 160 tỷ đồng.
Hệ số khả năng thanh toán, khả năng trả nợ dưới 1
Do thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu nên Xuyên Việt Oil rơi vào tình trạng gặp khó về dòng tiền (cả khả năng thanh toán và khả năng trả nợ đều thấp).
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, công ty ghi nhận tổng tài sản và nợ phải trả là 8.483 tỷ đồng và 9.015 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán tổng quát của công ty là 0,94.
Theo nghiệp vụ kế toán, hệ số khả năng thanh toán nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp. Chỉ số càng tiến dần về 0 cũng đồng nghĩa doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu không có giải pháp phù hợp, việc phá sản có thể xảy ra.
Không phải lần đầu tiên hệ số khả năng thanh toán tổng quát của Xuyên Việt Oil nhỏ hơn 1. Hồi cuối năm 2021, hệ số này cũng là 0,94.
Cùng lúc đó, tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của công ty là 7.422 tỷ đồng và 9.015 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 0,82. Theo nghiệp vụ kế hoán, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Hồi cuối năm 2021, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Xuyên Việt Oil cũng nhỏ hơn 1 khi đạt 0,86.
BIDV cho vay 2.000 tỷ đồng, tài sản đảm bảo có cả nhà vệ sinh
Trong bối cảnh Xuyên Việt Oil đã rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu âm nặng dòng tiền, khả năng thanh toán và trả nợ đều dưới 1, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại ký nhiều hợp đồng trị giá nghìn tỷ đồng với Xuyên Việt Oil.
Cụ thể, ngày 29/9/2022, Xuyên Việt Oil ký hợp đồng tín dụng số 02/2022/7191166/SĐBS với BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa của BIDV. Giá trị khoản vay là 2.000 tỷ đồng.
Giá trị tài sản đảm bảo là "toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác giá trị công trình xây dựng trên đất đối với các thửa đất tại Ấp 4 xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành (nay là thị trấn Tân Thành), Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tram xăng dầu trên đất". Giá trị tài sản đảm bảo là hơn 507 triệu đồng.
Đây không phải hợp đồng duy nhất được hai bên ký kết. Trước đó, ngày 27/4/2022, hai bên ký hợp đồng số 04/2022/7191166/HĐBĐ. Giá trị khoản vay hoặc nghĩa vụ là 2.000 tỷ đồng. Tài sản cầm cố là số dư tiền gửi và khoản tiền lãi của bên cầm cố theo các hợp đồng tiền gửi.
Trong năm 2022, BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa còn ký hợp đồng số 03/2022/7191166/HĐBĐ với Xuyên Việt Oil. Tài sản cầm cố là số dư tiền gửi và khoản tiền lãi của bên cầm cố theo các hợp đồng tiền gửi.
Trước đó, trong năm 2020 và 2021, BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng liên tục rót vốn cho Xuyên Việt Oil.
Tháng 9 năm nay, giám đốc và phó giám đốc Xuyên Việt Oil bị bắt. Trước đó, công ty này bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.