Đó là góc nhìn của chuyên gia Kelly Sharp - tiến sĩ giáo dục, giám đốc vận hành Tổ chức giáo dục Scotch International Education (Úc) - khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện sức khỏe tinh thần của giáo viên.
Giáo viên là "xương sống" của giáo dục
* Phải chăng trường học các nơi đang nói nhiều đến sức khỏe tinh thần của học sinh nhưng lại bỏ quên giáo viên, thưa bà?
- Ở một số nơi hiện không có nhiều hỗ trợ tinh thần cho giáo viên dù rằng thầy cô cũng đang chịu nhiều sức ép, cũng đang lo lắng và gặp nhiều thách thức. Sau dịch COVID-19 khi trở về dạy học trực tiếp, nhiều giáo viên đối diện ngay áp lực thu hẹp lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Ngoài kiến thức, một nhiệm vụ khác đặt ra với giáo viên trong tình hình mới là trợ giúp tâm lý cho các em.
Có phải nhiều trường học đang bỏ quên sức khỏe tinh thần của giáo viên? Không hẳn như thế. Tôi nghĩ các trường biết rằng giáo viên cũng rất cần được hỗ trợ về tâm lý nhưng nút thắt là trường có vẻ chưa biết làm gì cho thầy cô. Họ biết đang tồn tại vấn đề với tâm lý của một số thầy cô nhưng lại gặp khó khăn để sớm đưa ra cách giúp đỡ phù hợp.
* Vì sao quan tâm sức khỏe tinh thần của giáo viên cũng quan trọng không kém gì sức khỏe tinh thần của học sinh?
- Ở Úc, chúng tôi thường nói giáo viên là "xương sống" của một trường học. Thiếu giáo viên, dù chương trình, giáo trình có tốt đến đâu cũng không thể truyền tải được đến học sinh. Và thành công của những cuộc cải cách giáo dục đều phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn của các thầy cô.
Đồng nghĩa, giáo viên cần được quan tâm trên hết, trong đó có sức khỏe tinh thần. Khi bản thân giáo viên không ở trong trạng thái tinh thần tốt thì làm sao họ có thể giúp người khác - ở đây là học sinh - phát triển tối đa tiềm năng? Thực tế hiện nay, tinh thần mệt mỏi là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các giáo viên bỏ việc.
Loại bỏ áp lực tinh thần cho giáo viên
* Tại Úc, các trường học có những cách làm nào trợ giúp sức khỏe tinh thần cho giáo viên, thưa bà?
- Các trường học trước hết trang bị cho giáo viên một tâm thế để họ đối mặt những vấn đề và hành vi có thể ảnh hưởng đến tinh thần trong lúc dạy.
Các trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn để biết cách xử lý ngay tức thì nếu có xảy ra những tình huống bạo lực bất ngờ từ phía học sinh, đồng thời chỉ cho thầy cô nên làm gì sau đó để giữ tinh thần ổn định.
Cũng cần nói thêm rằng trước đó, các trường đại học đã tích hợp các học phần về quản lý sức khỏe tinh thần cho sinh viên sư phạm.
Trên giảng đường, các bạn trẻ đã sớm được học về tâm lý, hành vi và những cách ứng xử trong lớp học sau này.
Ở Úc, nhiều trường học tổ chức nhiều hoạt động cho giáo viên tham gia để thường xuyên duy trì sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn tại các trường của chúng tôi, giáo viên được tham gia các lớp yoga, các buổi tập thiền hoặc vào các phòng tập gym, chơi thể thao.
Ngoài ra, nhiều trường học của Úc đang cung cấp các dịch vụ tư vấn cá nhân hoặc dịch vụ tâm lý cho giáo viên. Chuyên gia tham vấn có thể là người thuộc biên chế của trường hoặc cũng có thể từ những tổ chức bên ngoài mà trường có kết nối.
Ở quy mô lớn hơn, các cơ quan phụ trách giáo dục ở Úc thường xuyên xem xét áp lực công việc đối với giáo viên, và liên tục đánh giá điều kiện làm việc, giảng dạy. Các cơ quan này luôn muốn đảm bảo giáo viên có thể quản lý điều kiện làm việc và áp lực công việc. Họ cũng không ngại thay đổi những quy định để hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cần thiết.
* Việt Nam có những điều kiện tương đối khác so với Úc. Theo bà, giáo dục Việt Nam nên quan tâm đến sức khỏe tinh thần của thầy cô giáo như thế nào?
- Với những thực tế ở Việt Nam, tôi nghĩ có ba điều có thể cân nhắc thực hiện. Trước hết, một lần nữa cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên.
Vì vậy, các trường cần lắng nghe thầy cô nhiều hơn, ví dụ thông qua tổ chức những buổi thảo luận để giáo viên trực tiếp nêu những mong muốn của mình. Có thể thầy cô sẽ đề xuất điều chỉnh thời gian biểu, yêu cầu được hỗ trợ tài nguyên, tư liệu nhiều hơn, kiến nghị có thêm các buổi tập huấn, hoặc đơn giản họ chỉ cần được nhà trường lắng nghe.
Thứ hai, tôi muốn nói đến một vấn đề rộng hơn, đó là đảm bảo thời gian làm việc của giáo viên. Có thể thấy lịch làm việc của giáo viên hiện không chỉ bao gồm những giờ đứng trên bục giảng. Họ còn đang phải dành thời gian làm báo cáo, kiểm tra, đánh giá, họp hành, thảo luận với đồng nghiệp, liên lạc với phụ huynh hay có những tư vấn một một với học sinh…
Những khoảng thời gian này đôi khi không được tính, mà chỉ tính giờ dạy. Đảm bảo giáo viên có đủ thời gian để hoàn thành tất cả các công việc cũng giúp họ đỡ áp lực tinh thần hơn.
Cuối cùng, theo tôi, giáo viên nên được có một không gian mở hơn. Thầy cô nên được tin tưởng, được khuyến khích đổi mới. Nếu thành công, thầy cô cần được nhà trường khen ngợi kịp thời.
Như thế, trường học sẽ tạo ra một văn hóa mà thầy cô thật sự cảm thấy được xem trọng, được quan tâm và được động viên, hay ít nhất là không sợ hãi về những "hậu quả" có thể đến nếu họ thử những cách làm mới. Bên cạnh đó, nếu được, trường học nên tạo điều kiện để giáo viên luôn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ nếu sức khỏe tinh thần gặp vấn đề.
TTO - Trước chất vấn về các vi phạm đạo đức nhà giáo ngày càng nhiều, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói kiên quyết loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh".