Vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã được nhắc đến tại Tọa đàm.
Nhìn thấy cơ hội lớn
Lần thứ hai trở lại Việt Nam để thảo luận về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) không ngần ngại nói: “Chúng tôi nhìn thấy các cơ hội lớn tại đây và tin tưởng, tương lai có thể bắt đầu từ bây giờ”.
Dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của SIA tới Việt Nam, khi tham gia Tọa đàm Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành bán dẫn ở Việt Nam, ông John Neuffer cho biết, nhiều khoản đầu tư đã được các thành viên SIA thực hiện tại Việt Nam và tới đây, sẽ có những doanh nghiệp tăng gấp đôi khoản đầu tư tại đây.
Nói về thị trường bán dẫn toàn cầu, ông John Neuffer chia sẻ, sau những khó khăn vào thời điểm đại dịch, khoảng 1 năm trở lại đây, ngành bán dẫn đã có sự thăng hoa. “Dự báo, năm 2024, doanh thu của ngành sẽ đạt 588 tỷ USD, tăng hơn 13,1% so với năm trước. Đây sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và đây là là cơ hội lớn của Việt Nam”, ông John Neuffer nói.
Một lần nữa nhấn mạnh vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, ông John Neuffer nói: “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Trong cuộc tọa đàm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chia sẻ mối quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam. Intel hẳn nhiên là nhà đầu tư có mối quan tâm hàng đầu, bởi họ đã đầu tư một nhà máy chip quy mô 1,5 tỷ USD ở Việt Nam. Nhưng Ampere cũng có mối quan tâm lớn không kém.
Theo ông Harry Clapsis, Giám đốc quan hệ Chính phủ Ampere, Ampere cũng nhìn thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. 5 năm qua, Ampere đã có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đầu tư tại Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực.
Mang tới tọa đàm con chip đã được Ampere nghiên cứu tại Việt Nam, ông Harry Clapsis cho biết, đây là lĩnh vực đòi hỏi nghiên cứu sâu và vì thế, Ampere rất mong muốn được thúc đẩy ở thị trường Việt Nam. “Chúng tôi đã tới Việt Nam ngay từ những ngày đầu, nhưng vẫn cần các chính sách để khuyến khích phát triển lĩnh vực này từ phía Chính phủ”, ông Harry Clapsis nói.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Trung tâm Phát triển của Infineon tiết lộ một thông tin không nhiều người biết. Đó là sản phẩm của Infineon đã xuất hiện rất phổ biến tại Việt Nam, trong các con chip của căn cước công dân. Nhưng tham vọng của Infineon tại Việt Nam chắc chắn còn lớn hơn nữa, bởi đầu năm nay, Công ty đã mở một trung tâm R&D để thúc đẩy các hoạt động tại thị trường đầy tiềm năng này.
Chia sẻ của đại diện Qualcomm ARM, Sysnopsys, Marvell… cũng khẳng định điều này. Rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành một phần trọng tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu ngành bán dẫn.
Việt Nam đã Sẵn sàng
Chỉ là một câu nói vui, nhưng có lẽ, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói khi kết thúc Tọa đàm thực sự rất có ý nghĩa: “Đề nghị các nhà đầu tư không phải đi nước nào cho mỏi chân, cần gì, cứ kiến nghị, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng”.
Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tọa đàm với SIA lại có chủ đề “Sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”. Thông điệp đã rất rõ ràng, rằng Việt Nam đã sẵn sàng, không chỉ là về hạ tầng cơ sở, như giao thông, điện, nước, hạ tầng công nghệ, mà quan trọng còn là hạ tầng mềm, về nhân lực, hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ luôn sẵn sàng hợp tác và đáp ứng các nhu cầu mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ cần.
“Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh sự chuẩn bị về chính sách, về cơ chế một cửa hỗ trợ nhà đầu tư, về xây dựng chiến lược phát triển ngành bán dẫn, đề án đào tạo 50.000 nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn vào năm 2030.
“Chúng tôi đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đặc biệt là khánh thành cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư, R&D ngành bán dẫn; cùng với 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại Tọa đàm, các nhà đầu tư cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng về đất đai, nhân lực và đặc biệt là các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, cũng như các vấn đề về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ… “Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trước hết trong lĩnh vực đóng gói, sau đó là nghiên cứu, thiết kế. Sẽ thu hút được đầu tư nhiều hơn nữa khi chiến lược phát triển ngành bán dẫn hình thành và khi có các chính sách khuyến khích, ưu đãi, ví dụ về thuế”, ông John Neuffer nói.
Về các đề xuất của nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiên cứu và sớm có chính sách để sẵn sàng đáp ứng. “Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn. Chúng tôi đang tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024”, Bộ trưởng cho biết.
Trong khi đó, đại diện các địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh… đều khẳng định “sẵn sàng” về đất đai, nhân lực và cơ chế để đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, thì như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, các nhà đầu tư sẽ không phải “đi nước khác cho mỏi chân”.